September 14, 2009 | 11:32 GMT+7

Khó tránh khỏi nguy cơ thừa thép

Nguyễn Mạnh

Với việc tiếp tục đầu tư tràn lan các dự án thép có quy mô lớn như hiện nay thì “bội thực” thép là khó tránh khỏi

8 tháng qua, hầu hết các mặt hàng thép đều tăng trưởng.
8 tháng qua, hầu hết các mặt hàng thép đều tăng trưởng.
Thép nhập ngoại luôn “rình rập” tràn vào, thép sản xuất trong nước cung đã vượt xa cầu, trong khi đó, các dự án mới vẫn tiếp tục được triển khai là những điều kiện để ngành thép lâm vào tình trạng “bội thực” và cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép cho giai đoạn 2009 - 2010 chỉ xấp xỉ 4 triệu tấn nhưng đến thời điểm này tổng công suất đã lên tới 7 triệu tấn. Đặc biệt, từ năm 2010 trở đi ngành thép Việt Nam sẽ không còn được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế do thực hiện đầy đủ các cam kết WTO. Đồng thời, sản phẩm thép Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh về giá bán do chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao gần gấp 2 lần so với thế giới.

" Ngập" dự án

Mặc dù, Bộ Công Thương đã khuyến cáo về tình hình cung vượt cầu trong việc đầu tư các dự án thép, nhất là đối với các dự án ngoài quy hoạch, nhưng các địa phương và nhà đầu tư dường như vẫn chưa mấy quan tâm.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA cho biết, theo quy định, các dự án có quy mô từ 1.500 tỷ đồng trở lên do Chính phủ cấp phép, còn các dự án quy mô dưới mức này do cấp tỉnh thẩm định, cấp phép. Lợi dụng quy định này, các chủ đầu tư thường triển khai dự án có quy mô dưới 1.500 tỷ đồng để được địa phương cấp phép dễ dàng hơn.

Trong khi đó, trình độ chuyên môn về ngành công nghiệp thép cũng như việc thẩm định dự án của địa phương là rất hạn chế. Thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Công Thương cho thấy, đến thời điểm này, có khoảng 100 dự án ngành thép đã được cấp phép. Nếu chỉ tính các dự án phôi thép cùng dự án cán thép có quy mô từ 100 nghìn tấn thép cán/năm trở lên, thì con số này xấp xỉ 60 dự án.

Theo nhận định của VSA, nếu tất cả các dự án thép đã đăng ký đi vào hoạt động hết công suất thì Việt Nam sẽ có trên 40 triệu tấn thép mỗi năm. Đây quả là một con số khổng lồ đối với ngành sản xuất thép.

Ông Nguyễn Tiến Nghi cho hay, trước thực trạng bùng nổ các dự án thép ngoài quy hoạch, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quy định việc đầu tư các dự án sản xuất gang, thép. Theo đó, các dự án thép ngoài quy hoạch sẽ phải báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi được chấp thuận mới tiến hành xây dựng.

Đồng thời, chủ đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, nguồn nguyên liệu và hạ tầng cơ sở. Song quy định này đã quá muộn. Bộ Công Thương yêu cầu các dự án thép lò điện phải có thỏa thuận của ngành điện, nơi đặt nhà máy luyện thép về đảm bảo nguồn điện cung cấp cho dự án. Tuy nhiên, rất ít dự án thép khi tiến hành đầu tư có được thỏa thuận với ngành điện về chuyện này.

Điển hình là tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, điểm nóng về việc cung cấp điện sản xuất cho các doanh nghiệp thép, nhất là vào mùa khô khi phải luân phiên cắt điện, bởi số lượng các dự án thép đổ về đây quá nhiều. Sở Công Thương tỉnh này cho biết, khi 4-5 nhà máy thép cùng hoạt động thì phụ tải trên địa bàn tăng đột biến, dẫn tới mất điện là đương nhiên, trong khi lượng điện được phân bổ luôn ở tình trạng cung không đủ cầu. Thế nhưng tới nay, vẫn có nhiều chủ đầu tư đề xuất xây dựng thêm các nhà máy thép có quy mô lên tới 2 triệu tấn/năm và danh sách các nhà đầu tư mới vẫn tiếp tục kéo dài.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Thực tế cho thấy, nếu để cho các dự án thép tràn lan mà không thẩm định năng lực của các nhà đầu tư từ phía địa phương thì hậu quả để lại rất khó lường. Các dự án thép quy mô cả trên triệu tấn/năm như Dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận), Dự án thép Dung Quất đã phải rơi vào tình trạng chậm trễ trong triển khai, bởi chủ đầu tư không có năng lực. Đó là chưa kể nhiều dự án không phát huy được hiệu quả như dự tính ban đầu, do cung về sản phẩm thép xây dựng đã gần gấp đôi cầu.

Dự kiến, năm 2009, Tổng công ty thép Việt Nam (VNS) có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 55 triệu USD từ thép, nhưng theo VNS, tình hình đang hết sức khó khăn, bởi thị trường xuất khẩu chính của VNS là Campuchia và Lào đang bị cạnh tranh rất khốc liệt với Trung Quốc, Thái Lan, vì giá bán sản phẩm của họ rẻ hơn. Sản phẩm thép của VNS xuất khẩu sang Campuchia phải chấp nhận bán với giá xấp xỉ giá thành và chỉ mong hòa vốn để giữ thị phần. Đối với các thị trường khác như Mỹ, việc xuất khẩu thép cán nguội đã thực hiện được 2 năm nhưng vẫn chỉ mang tính chất thăm dò là chính.

Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết, hiện nay đã có một số công ty thép tham gia vào xuất khẩu như Tây Đô, Pomina nhưng số lượng không đáng kể do khả năng cạnh tranh thấp, chỉ VNS là xuất khẩu tốt, còn toàn VSA thì không khả quan, bởi với tình trạng dư thừa sản xuất thép trên thế giới hiện nay, ngay cả các cường quốc về thép cũng còn đang bí đầu ra.

Việc tìm đường xuất khẩu vẫn chưa được các doanh nghiệp thực sự quan tâm, bởi tình hình chưa đến mức “bi quan”. Từ cuối tháng 3/2009, thị trường thép đã có những chuyển biến tích cực nhờ những biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ. Tính chung 8 tháng vừa qua, ngành thép đã phát triển rất khả quan, tăng trưởng ở hầu hết các mặt hàng thép trong nước sản xuất, nhiều nhất là thép xây dựng. Nhiều dự án tưởng như phải ngừng giữa chừng thì với sự tăng trưởng của thị trường hiện nay lại tiếp tục được đầu tư.

Mặc dù, ngành thép đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng với việc tiếp tục đầu tư tràn lan các dự án thép có quy mô lớn như hiện nay thì “bội thực” là khó tránh khỏi. VSA kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất đối với việc triển khai các dự án thép có hiệu quả, nhằm tạo đầu ra cho ngành sản xuất thép. Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới, các thủ tục cấp phép đầu tư ngoài quy hoạch để bảo đảm cân đối cung cầu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate