May 17, 2025 | 08:13 GMT+7

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để Việt Nam có thu nhập cao năm 2045

Bạch Dương -

Việt Nam có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước – từ sáng kiến phục vụ chiến trường, công trình xây dựng lớn, đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất vaccine, đến nghiên cứu khoa học tầm quốc tế và những bước tiến nổi bật trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu… 

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại Chương trình: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại Chương trình: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”.

Phát biểu này được Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Chương trình: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 16/5.

VIỆT NAM CÓ QUYỀN TỰ HÀO VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại 62 năm trước, vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất và phục vụ nhân dân, phục vụ mục tiêu cao cả là xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Nhìn lại chặng đường vừa qua, Việt Nam có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những sáng kiến kỹ thuật phục vụ chiến trường đến các công trình xây dựng vĩ đại, từ việc đảm bảo an ninh lương thực đến chủ động sản xuất vaccine, từ những nghiên cứu khoa học cơ bản đạt tầm khu vực, quốc tế đến sự bứt phá mạnh mẽ trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, đưa Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và cải thiện thứ hạng đáng kể.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ ban ngành tham quan các gian hàng. 
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ ban ngành tham quan các gian hàng. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, KHCN&ĐMST của Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Cơ chế, chính sách quản lý còn những điểm chưa thực sự cởi trói, chưa tạo đột phá mạnh mẽ. Đầu tư, hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển còn chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường KHCN phát triển chậm, sự gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhân tài chưa đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu.

Chính phủ xác định KHCN, ĐMST và CĐS chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. 

Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này, Phó Thủ tướng chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện. 

Một là, khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi trói tối đa tiềm năng KHCN&ĐMST. Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn theo hướng đột phá, vượt trội, nhất là về cơ chế quản lý tổ chức, tài chính, nhân lực; mạnh dạn đề xuất các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Thể chế phải thực sự trở thành “cầu nối”, “đòn bẩy” để KHCN&ĐMST đi sâu, lan tỏa vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Hai là, đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và xây dựng các trường đại học, viện nghiên cứu trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, tiên phong. Thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KHCN. Xây dựng sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả.

Ba là, tập trung đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản và làm chủ các công nghệ chiến lược, nền tảng, công nghệ lõi như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng mới. Hỗ trợ phát triển các nền tảng số "Make in Vietnam" mang tính quốc gia, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Bốn là, có chính sách đột phá để thu hút, đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài KHCN. Cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc thuận lợi, trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút chuyên gia quốc tế tham gia vào các hoạt động KHCN trong nước.

Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế - xã hội. 

Sáu là, đẩy mạnh ngoại giao khoa học, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng về KHCN&ĐMST. 

Bảy là, phát huy vai trò chiến lược của Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TĐC) như ba trụ cột đổi mới. Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp các bộ, ngành xây dựng hệ thống TĐC hiện đại, bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, thúc đẩy hội nhập. TĐC phải trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt đổi mới sáng tạo.

Tám là, đẩy mạnh truyền thông, khơi dậy niềm đam mê khoa học, hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. 

KIẾN TẠO TƯƠNG LAI CHO KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết Luật khoa học và công nghệ được sửa thành thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ thể chế hoá các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Chương trình. 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Chương trình. 

Thứ nhất, khoa học công nghệ là nền của một quốc gia. KHCN mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. KHCN mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc KHCN. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KHCN phát triển. 

Thứ hai, khoa học, công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào Luật và được đặt ngang hàng với KHCN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. 

Thứ tư, chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. 

Thứ năm, khoa học công nghệ không chỉ đi từ nghiên cứu đến sản phẩm, mà cần chiều ngược lại: từ thị trường, sản phẩm đến công nghệ và nghiên cứu. Đổi mới sáng tạo từ thực tiễn sẽ dẫn đường cho phát triển công nghệ và xác định bài toán khoa học.

Thứ sáu, chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học – nơi tập trung đông đảo nhân lực trẻ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các viện nghiên cứu, đặc biệt là hai Viện Hàn lâm, vẫn giữ vai trò trong nghiên cứu cơ bản theo thế mạnh và định hướng riêng.

Thứ bảy, chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho NCPT của doanh nghiệp chỉ được dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%. 

Cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, và không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược. 

Doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư cho khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo NCPT các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước.

Thứ tám, cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Sự kết hợp liên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để đảm bảo các công nghệ phát triển gắn với bảo vệ các giá trị đạo đức cốt lõi của nhân loại. 

Thứ chín, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được thúc đẩy trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà khoa học, tổ chức trung gian và các quỹ đầu tư.

Trong hệ sinh thái này, nhà nước đóng vai trò kiến tạo: đầu tư hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, cơ chế tài chính ưu đãi, thu hút và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước. Việt Nam có nhiều bài toán lớn, có ngân sách thực hiện, chúng ta phải hợp tác, phải thuê, phải tận dụng được các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học toàn cầu. Đây là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để phát triển KHCN và phát triển đất nước.

Thứ mười, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động và quản lý khoa học công nghệ. Các tổ chức NCPT sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ quan quản lý theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả dài hạn. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính, thay thế bằng quản lý số hóa nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch và khả năng giám sát.

“Ngày nay, chúng ta giàu có hơn, có nhiều thứ trong tay hơn, có nhiều công cụ hơn thì giấc mơ phải lớn hơn ngày xưa, lại giỏi giang như thế, phụng sự nhiều hơn. Việt Nam sẽ phát triển để trở thành nước xã chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao, với GDP/người 20-25.000$ vào năm 2045. Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam, và qua đó khoa học công nghệ của nước nhà phát triển, đất nước phát triển”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định mạnh mẽ tại Chương trình. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate