Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động đời sống và sản xuất kinh doanh trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để khai thác, phát huy tối đa tiềm lực từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
Năm 2020 qua đi với nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh hoành hành, đã tác động nặng nề tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nhấn kết quả của ngành trong năm qua?
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội đất nước. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, Bộ Khoa học & Công nghệ đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp do Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công. Trong đó, tiêu biểu là các nội dung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Đồng thời, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Một trong những kết quả nổi bật của ngành trong năm qua là, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3/10 quốc gia, chỉ sau Singapore, Malaysia. Theo nhận xét của Tổ chức WIPO, Việt Nam cùng với 3 nền kinh tế khác có kết quả vượt trội về đổi mới sáng tạo trong 10 năm liên tiếp và là 1 trong số 4 quốc gia châu Á cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines có mức cải thiện thứ hạng rõ rệt nhất từ năm 2014 đến nay. Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như là một ưu tiên quốc gia.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ càng được thể hiện rõ nét. Ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học & Công nghệ đã huy động lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam (về lĩnh vực truyền nhiễm, dịch tễ, sinh học phân tử, vắc xin, y học thảm họa,...) và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ khoa học & công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát, sản xuất vắc xin phòng Covid-19.
Đến nay, có khoảng 1.000.000 test đã được cung cấp cho các cơ sở xét nghiệm trong cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta. Sản phẩm vaccine xin phòng Covid-19 Nanocovax cũng được thử nghiệm lâm sàng.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số tổng hợp khác cũng cho thấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục có đóng góp đáng kể vào cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Tiêu biểu có thể kể đến như: năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).
Đâu là những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ tập trung trong năm 2021, thưa Thứ trưởng?
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ tiếp tục thực hiện và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng có đánh giá thế nào về sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong năm qua?
Trong năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho sự hình thành và phát triển của các startup Việt Nam. Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cũng đã được đưa vào vận hành hiệu quả với gần 2 triệu lượt truy cập và 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có 13 tỉnh, thành phố xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của địa phương. Ngày hội khởi nghiệp quốc gia năm 2020 (Techfest 2020) cũng được tổ chức thành công.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn có thể tổ chức được Ngày hội khởi nghiệp ở quy mô lớn, thu hút được sự tham dự của hơn 6.500 lượt người tham dự trực tiếp và trên 50.000 lượt tham dự trực tuyến tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Riêng tại Techfest 2020, các thương vụ cam kết đầu tư đã đạt hơn 14 triệu USD.
Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục thúc đẩy phát triển bứt phá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn mới, khai thác và phát huy tối đa tiềm lực từ lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thưa Thứ trưởng?
Từ kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình đầu tư lâu dài của Chính phủ cũng như quá trình phát triển nội tại của văn hóa kinh doanh. Vì vậy, để khai thác, phát huy tối đa tiềm lực từ lĩnh vực này, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay, Bộ Khoa học & Công nghệ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 với ba nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để thúc đẩy phát triển của loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, hình thành và phát triển nền kinh tế sáng tạo.
Hai là, hình thành và phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh với vai trò hạt nhân kết nối, phát triển hệ sinh thái và hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực giữa hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
Ba là, phát triển 3 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi thế giới và 1 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của châu Á- Thái Bình Dương đến năm 2025. Phát triển 5 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi thế giới và 2 tỉnh/thành phố đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của châu Á- Thái Bình Dương đến năm 2030.
Hiện nay, Bộ Khoa học & Công nghệ đang tiếp tục lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành, các cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để tiếp tục hoàn thiện đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian tới.