April 03, 2022 | 12:30 GMT+7

Khoảng 3,4 triệu nạn nhân bom mìn được hưởng trợ cấp hằng tháng

Nhật Dương -

Đến nay, có khoảng 3,4 triệu đối tượng là nạn nhân bom mìn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ mai táng phí cho các đối tượng khoảng 23.675 tỷ đồng/năm…

Bộ Tư lệnh Thủ đô trục vớt thành công quả bom dưới sông Hồng. Ảnh - MOLISA.
Bộ Tư lệnh Thủ đô trục vớt thành công quả bom dưới sông Hồng. Ảnh - MOLISA.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước.

Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/ dioxine. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Tại một số tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000 ha (trung bình đạt gần 50.000 ha/năm, tăng 35% so với giai đoạn trước) với ngân sách dành cho công tác rà phá bom mìn là 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).

Tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích.

Đánh giá chung, giai đoạn 2010 - 2020, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Đó là xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Đã tiến hành khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất; công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ các tổ chức quốc tế gần 100 triệu USD.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật khắc phục hậu quả bom mìn và trợ giúp người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn, đặc biệt là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Đến nay, có khoảng 3,4 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng; 100% người khuyết tật nặng là nạn nhân bom mìn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, gia đình nạn nhân bom mìn thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng 1 định xuất nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ mai táng phí cho các đối tượng theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP khoảng 23.675 tỷ đồng/năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate