Khối kinh tế làng nghề đang lâm vào tình trạng rất nghiêm trọng, với khoảng 5 triệu lao động được dự báo sẽ mất việc năm nay.
Ngày 11/2/2009, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất các làng nghề.
Phá sản, cầm cự, mất việc
Thông tin từ hội nghị này cho biết, từ tháng 7/2008 đến nay, do cuộc khủng hoảng thế giới, sản phẩm làng nghề tiêu thụ chậm, giá bán giảm thấp, nhất là đối với những sản phẩm mà nguyên liệu phải nhập khẩu. Tại hầu hết các làng nghề, sản xuất không phát triển mà còn gặp khó khăn: thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp; dư nợ quá hạn phát sinh, không có khả năng thanh toán nợ.
Đến nay rất nhiều doanh nghiệp làng nghề chưa ký kết được hợp đồng năm 2009, buộc phải cắt giảm sản lượng, cắt giảm lao động.
Theo thống kê từ 38 tỉnh, thành hiện đã có 9 làng nghề phá sản, 124 làng nghề đang cầm cự sản xuất. Đã có 2.166 hộ sản xuất khối làng nghề tuyên bố phá sản, 468 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, khoảng 5 triệu lao động được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam dự báo có thể mất việc trong năm 2009. Rất nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn.
Tổng số dư nợ của làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tại 38/63 tỉnh là 2.169, 064 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 12,324 tỷ đồng. Rất nhiều doanh nghiệp đã quá hạn trả nợ, nhưng không có khả năng thanh toán.
Bởi vậy, Quyết định số 131 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn lưu động từ ngân hàng đang được kỳ vọng trở thành động lực giúp thúc đẩy khôi phục sản xuất trở lại.
Theo quyết định này, đối tượng áp dụng hỗ trợ lãi suất là các khoản vay ngắn hạn ngân hàng bằng tiền đồng theo các hợp đồng tín dụng được ký và giải ngân trong năm 2009 của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân để làm vốn lưu động sản xuất kinh doanh.
Đại diện các doanh nghiệp làng nghề tại hội nghị đều bày tỏ lo ngại rằng chương trình hỗ trợ lãi suất này sẽ chỉ đến được những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn khó tiếp cận được nguồn vốn này.
Bà Trần Hồng Hạnh, đại diện Ngân hàng Nhà nước giải đáp: “Tất cả mọi doanh nghiệp đều có quyền được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn, cơ chế cho vay không khe khắt, chỉ cần có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Tiền vốn rất quan trọng, nhưng vấn đề tiên quyết để phát triển sản xuất phải là kinh doanh tiêu thụ sản phẩm”.
Bà Hạnh nhấn mạnh: “Nếu không cẩn thận, chủ trương hỗ trợ lãi suất sẽ tác động ngược, tạo ra gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp”.
Sẽ kiến nghị dành 25% gói kích cầu hỗ trợ các làng nghề
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên kiến nghị: cứu làng nghề đang trở nên hết sức cấp bách, Nhà nước nên hỗ trợ 100% lãi suất khi vay vốn cho các doanh nghiệp thuộc khối làng nghề, đồng thời tiếp tục giảm thuế xuất khẩu sản phẩm. Nhà nước, cần có gói kích cầu riêng, cơ chế riêng cho làng nghề và doanh nghiệp ở nông thôn.
Trong khi đó, ông Lưu Duy Dần, Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai giải pháp để phát triển bền vững làng nghề. Một là, Bộ cần thành lập ban chỉ đạo quốc gia về tư vấn phát triển bền vững làng nghề, thành lập quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Hai là, quy hoạch phát triển làng nghề, đặc biệt phải xây dựng vùng nguyên liệu cho mỗi làng nghề.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: giải cứu làng nghề là nhiệm vụ cấp bách của các cấp. Bộ sẽ tiếp thu mọi ý kiến để trình lên Chính phủ và kiến nghị các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước có những chính sách ưu đãi đối với làng nghề, đặc biệt vấn đề vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay.
Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ dành 25% số tiền trong gói kích cầu của Chính phủ để ưu tiên hỗ trợ cho làng nghề và doanh nghiệp nông thôn. Kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hải quan về nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hoá C/O thông qua việc khai báo qua cổng thông tin điện tử...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate