Khảo sát của VnEconomy tại các khu vực là “thủ phủ” chung cư mini thuộc các quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, quận Đống Đa TP Hà Nội cho thấy hầu hết cư dân ở đây không biết về bảo hiểm cháy nổ.
NƠM NỚP LO "BÀ HOẢ" Ở CHUNG CƯ MINI
Đêm hoả hoạn tang thương tại chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua trong phút chốc đã lấy đi sinh mạng của gần 60 người và để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho những người ở lại. Sau vụ cháy, hàng loạt vấn đề được phát lộ, từ yếu kém trong quản lý, giám sát, xây dựng sai phép, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo… cho đến sự thờ ơ của người dân về bảo hiểm cháy nổ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng chung cư mini có nguy cơ cháy nổ rất cao, bởi mật độ dân cư lớn, nhiều phòng, nhiều tầng được xây chồng trên một diện tích nhỏ. Trong khi đó, tầng 1 dày đặc xe máy, hành lang thoát hiểm cũng như các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy gần như không có.
“Chung cư mini thường xây dựng ở ngõ nhỏ, 3 mặt giáp nhà dân nên khi xảy ra hoả hoạn, phương tiện cứu hoả rất khó tiếp cận và người dân cũng rất khó thoát thân. Do đó, thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra hoả hoạn tại các chung cư mini sẽ rất lớn”, ông Hoà nói.
Tuy nhiên, dù nguy cơ cháy nổ cao nhưng loại hình nhà ở này hiện không thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Anh T.D, người thân của nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, không giấu được sự xúc động khi nhắc tới vụ việc. Tuy vậy, anh chưa nghe tới việc bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ. Theo anh, một số nạn nhân được bảo hiểm bồi thường là bảo hiểm nhân thọ.
Khảo sát nhiều cư dân ở các chung cư mini trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết người dân cho biết căn hộ không được mua bảo hiểm cháy nổ.
Một thống kê của EVN Hà Nội cho thấy TP. Hà Nội đang có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung chủ yếu ở các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ. Còn tại TP.HCM, theo thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM, đến giữa năm 2022, số nhà trọ, chung cư mini do người dân xây dựng là hơn 60.000 công trình với khoảng 600.000 phòng....
Nguyễn Hoà, một nhân viên truyền thông cho hay cô không hề biết đến khái niệm bảo hiểm cháy nổ, dù khi mua căn hộ cũng có băn khoăn về nguy cơ hoả hoạn tại các công trình này.
“Chung cư mini diện tích nhỏ, giá tiền thấp, lại gần các tiện ích, gần nơi làm việc, thuận tiện đi lại… nên đây là lựa chọn khá ổn cho người có thu nhập trung bình. Nguy cơ hoả hoạn mình cũng có nghĩ tới, nhưng bảo hiểm cháy nổ thì chưa tìm hiểu”, Hoà nói.
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc, chủ căn chung cư mini tại Đống Đa cũng cho biết sau vụ hoả hoạn vừa qua, cơ quan chức năng rà soát các khu nhà và yêu cầu các hộ dân bổ sung các thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình cứu hoả, mặt nạ chống khói, thang thoát hiểm…, tuy nhiên bảo hiểm cháy nổ thì chị chưa nghe tới.
Chị Ngọc cũng không rõ loại hình bảo hiểm này chủ đầu tư toà chung cư phải mua hay chủ nhân từng căn hộ mua; chi phí bảo hiểm cháy nổ thế nào về mức đền bù thiệt hại ra sao…
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ, đã có rất nhiều các vụ cháy chợ, trung tâm thương mại và các nhà hàng, dịch vụ giải trí xảy ra, nhưng hầu hết các trường hợp đều không có bảo hiểm cháy nổ để bảo đảm an toàn và bồi thường cho các nạn nhân.
“Ở rất nhiều quốc gia, bảo hiểm rủi ro như cháy nổ các công trình, toà nhà ở đô thị vào diện bắt buộc, tức coi nó như một biện pháp quản lý an toàn của chính quyền”, ông Lập nói.
KHOẢNG TRỐNG PHÁP LÝ VỀ BẢO HIỂM CHÁY NỔ Ở CÁC CHUNG CƯ MINI
Mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không lớn. Theo quy định, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) thì mức phí là 0,05% giá trị tài sản/năm; còn công trình không có sprinkler thì 0,1%/năm.
Tuy vậy, TS.Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về khái niệm chung cư mini. Hiện chỉ có một số văn bản dưới luật có quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ chung cư mini nếu đủ điều kiện (Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội).
“Loại hình nhà ở này chưa hoàn thiện với khung pháp lý, không có quy định cụ thể về điều kiện phòng cháy chữa cháy như thế nào, cũng không có quy định phải mua bảo hiểm bắt buộc về cháy nổ”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, quy định tại nghị định 136/2020/NĐ-CP thì những tòa nhà xây dựng từ 7 tầng trở lên hoặc có dung tích từ 5.000m³ trở lên thì phải có thiết kế về phòng cháy chữa cháy được cấp có thẩm quyền thẩm duyệt; phải xây dựng theo đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy và khi xây dựng xong, hoàn công thì phải được cơ quan chức năng nghiệm thu thì mới được phép đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên nghị định này chỉ quy định những tòa nhà thuộc các cơ sở giáo dục, y tế, các cơ sở cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh doanh mới bắt buộc phải có thiết kế về phòng cháy chữa cháy, phải thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy mà không quy định đối với loại hình nhà ở riêng lẻ. Như vậy, loại hình nhà ở riêng lẻ mà xây dựng trên 7 tầng thì chưa có quy định cụ thể về thiết kế phòng cháy chữa cháy cũng như điều kiện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
“Đây là khoảng trống pháp lý cần phải được sửa đổi bổ sung kịp thời, phù hợp để quản lý loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, có chiều cao từ 7 tầng trở lên (được gọi là chung cư mini)”, ông Cường nói.
Luật sư này cũng cho rằng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại trong những trường hợp mà chủ thể vi phạm nghĩa vụ mua bảo hiểm cháy nổ.
"Loại hình nhà ở riêng lẻ mà xây dựng trên 7 tầng thì chưa có quy định cụ thể về thiết kế phòng cháy chữa cháy cũng như điều kiện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Đây là khoảng trống pháp lý cần được sửa đổi bổ sung kịp thời, phù hợp để quản lý loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, có chiều cao từ 7 tầng trở lên (được gọi là chung cư mini)".
TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp.
Theo đó, việc xây dựng là trái phép, kinh doanh không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nên chủ nhà sẽ bị xử lý hình sự nếu như vụ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng.
“Người vi phạm trong trường hợp này cũng có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân về tính mạng, sức khỏe và tài sản, cơ quan bảo hiểm cháy nổ sẽ đứng ngoài cuộc trong những vụ việc như thế này”, ông Cường nói và chia sẻ rằng các loại bảo hiểm nhân thọ tự nguyện có thể mang lại những bù đắp tổn thất phần nào đối với các nạn nhân trong những trường hợp này.
Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, cũng cho rằng chung cư mini là khái niệm không có trong luật nên không có quy định về việc phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, người mua chung cư mini có thể tham gia loại hình bảo hiểm cháy nổ tự nguyện. Tại các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có bảo vệ rủi ro cháy/nổ như đối với cả bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định của nhà nước.
Ông Sơn phân tích, người dân có thể mua được bảo hiểm háy nổ cho căn hộ của mình nhưng khi có nhu cầu muốn mua thì phải cung cấp thông tin về đối tượng bảo hiểm (căn hộ, đồ đạc trong nhà...) cho phía doanh nghiệp bảo hiểm. Sau khi doanh nghiệp khảo sát các rủi ro liên quan sẽ đưa ra quyết định có bán bảo hiểm hay không bán.
“Nếu trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đã bán bảo hiểm cháy nổ thì khi xảy ra vụ cháy họ sẽ tiến hành chi trả bồi thường mà không được phép xem xét hay đánh giá yếu tố xây sai phép, không có hệ thống chữa cháy tự động, không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy”, ông Sơn nêu.
Vị luật sư nhấn mạnh, bảo hiểm cháy nổ sẽ bảo vệ tài sản của khách hàng khi xảy ra cháy, đối tượng mà khách hàng cần bảo vệ đó là căn hộ đang ở và tài sản ở trong căn hộ. Đồng thời, người dân cần lưu ý những tài sản có giá trị cao như đồ trang sức, vàng, tranh, đồ cổ… sẽ không được bảo hiểm trong sản phẩm bảo hiểm cháy nổ.
GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT RỦI RO, HẠN CHẾ TỔN THẤT
Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng mấu chốt vẫn là sự nghiêm túc trong quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.
“Bảo hiểm cháy nổ nhằm giảm thiểu thiệt hại, hữu ích trong việc người dân ổn định cuộc sống sau hoả hoạn, hạn chế thiệt hại tài chính, nhưng để hạn chế rủi ro về hoả hoạn thì thực sự cần sự nghiêm túc của cơ quan chức năng”, ông Hoà nói.
Sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini ở Khương Hạ vừa qua, ông Hoà cũng đề nghị ngoài việc khởi tố chủ đầu tư thì cần nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan và có hình thức xử lý thích đáng.
Luật sư Đỗ Hồng Sơn cũng đồng tình rằng mua bảo hiểm là để hạn chế rủi ro về tài sản khi xảy ra tổn thất, nhưng điều này không đồng nhất với việc hạn chế được hoả hoạn.
Theo ông Sơn, khi xây dựng một công trình có nguy cơ cao về cháy nổ thì điều kiện để được đưa vào hoạt động là phải được thẩm duyệt, kiểm tra của cơ quan phòng cháy chữa cháy, có phương án chữa cháy, đào tạo người để có thể thực hiện dập cháy, có phương án thoát nạn khi cháy nổ xảy ra…
“Đối với chung cư mini thì chỉ dừng lại ở mấy bình cứu hỏa, một vài tờ khẩu lệnh phòng cháy thì khi vụ việc xảy ra, hậu quả thương tâm là không thể tránh khỏi”, ông Sơn nói và nhấn mạnh rằng việc để các chung cư mini không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tồn tại có sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập đề xuất một tư duy quản lý mới với việc thiết lập cơ chế phối hợp ba bên là chính quyền, ban quản trị các toà nhà và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiệm cháy nổ bắt buộc.
Theo đó, chính quyền đóng vai trò kiểm tra, giám sát để bảo đảm mỗi toà chung cư mini phải có bản quản trị đại diện cho cộng đồng dân cư được thành lập, đồng thời phải có hợp đồng bảo hiểm cháy nổ thì mới đủ điều kiện vận hành.
“Hãy thử hình dung chung cư ở Thanh Xuân, Hà Nội bị cháy vừa qua, nếu cả thiết chế và cơ chế đó đã tồn tại và hoạt động thì có an toàn hơn không? Chắc chắn có, bởi hơn ai hết ban quản trị có chức năng và nhiệm vụ rõ ràng”, ông Lập nêu và phân tích, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ buộc phải quan tâm và chăm sóc việc vận hành toà nhà sao cho bảo đảm an toàn cháy nổ bởi việc đó đồng nghĩa với tránh rủi ro về kinh doanh của chính họ.