December 27, 2021 | 18:00 GMT+7

Khởi công dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc hơn 5.000 tỷ

Anh Tú -

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc với tổng mức đầu tư 5.339 tỷ đồng vừa được khởi công nhằm tạo kết nối giữa 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ khu vực miền núi phía Bắc về Hà Nội...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ khởi công.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ khởi công.

Ngày 27/12, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 2 là đại diện chủ đầu tư.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến kết nối.

Trong đó, tuyến số 1 dài 147km, kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Điểm đầu tại nút giao IC16 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại ngã ba bệnh viện TP. Lai Châu.

Tuyến số 2 dài khoảng 53km, nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với điểm đầu tại nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối giao với Quốc lộ 32.

 

Tổng mức đầu tư của dự án là 5.339 tỷ đồng, tương đương hơn 235 triệu USD, gồm vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia gần 4,5 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 43 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024.

Dự án có tổng cộng 11 gói thầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024. Trong đó gói thầu XL-8 là gói thầu đầu tiên được khởi công vào ngày 27/12. Dự kiến gói thầu cơ bản hoàn thành vào 6/2024.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh kết cấu hạ tầng phát triển là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sức cạnh tranh của cả vùng, miền, các địa phương nói chung và của các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng.

Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để dự án triển khai đảm bảo hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, về chất lượng và tiến độ, Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án 2, nhất là người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm, bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, bảo đảm an toàn thi công trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần xác định đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt, tạo động lực cho phát triển đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Do đó, đòi hỏi mỗi hạng mục thi công đều phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, huy động hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để bảo đảm tiến độ thi công.

UBND các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái cần quan tâm và tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị thi công với các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng thi công xây dựng, bảo đảm môi trường, đáp ứng tiến độ thi công dự án.

Bộ Giao thông vận tải chủ động cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh để hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, hiệu quả của dự án.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để tiếp tục hoàn thiện hệ thống các tuyến đường kết nối giao thông tới các tỉnh miền núi phía bắc nhằm tăng cường hiệu quả khai thác cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

 

Sau khi đi vào khai thác, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ bảo đảm tính kết nối giữa 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Đồng thời, dự án cũng sẽ giúp giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với các địa phương có dự án đi qua, củng cố và bảo đảm an ninh, quốc phòng cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate