June 03, 2010 | 10:19 GMT+7

Khởi kiện vụ án hành chính không cần qua khiếu nại?

Nguyễn Lê

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị người dân có thể khởi kiện vụ án hành chính không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính - Ảnh: TTXVN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính - Ảnh: TTXVN.
Ủy ban Tư pháp đề nghị người dân có thể khởi kiện vụ án hành chính không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại khi thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính.

Theo tờ trình dự án luật của Tòa án Nhân dân tối cao trước Quốc hội sáng 3/6, các quy định tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập.

Việc ban hành Luật Tố tụng hành chính là hết sức cần thiết, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Dự án luật gồm 13 chương, 163 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính; thi hành án hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, tổ chức, có liên quan.

Một trong những nội dung rất quan trọng song còn có nhiều loại ý kiến khác nhau tại dự luật là điều kiện khởi kiện vụ án hành chính.

Loại ý kiến thứ nhất của Ban soạn thảo đề nghị quy định trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án phải qua thủ tục khiếu nại như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Còn theo quan điểm khác thì tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến này vì đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước.

“Đây được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.    

 Một số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với dự thảo luật quy định một số loại việc có tính chuyên môn sâu hoặc lĩnh vực mà luật chuyên ngành quy định phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện thì cần phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện ra tòa án.

Theo phân tích của ủy ban này, đây cũng là điều kiện để cơ quan hành chính tự xem xét lại quyết định, hành vi và đương sự có điều kiện thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án khi giải quyết vụ án.

Quy định như vậy phù hợp với khả năng và điều kiện giải quyết các vụ án hành chính của tòa án hiện nay và trong thời gian trước mắt, bảo đảm lộ trình thích hợp cho việc quy định tổ chức, cá nhân được khởi kiện ngay vụ án hành chính tại tòa án.  

Để có thêm thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội xem xét thảo luận dự án luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo báo cáo bổ sung đánh giá tác động của dự án luật về một số vấn đề như: khả năng của ngành tòa án đáp ứng yêu cầu của việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính; tác động của việc ban hành luật này đối với các luật khác đang có hiệu lực pháp luật như: Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai,… nhằm bảo đảm cho các quy định của luật đi vào cuộc sống và sự thống nhất của hệ thống pháp luật. 
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate