July 21, 2022 | 22:15 GMT+7

Khởi nghiệp ngay trong môi trường Đại học: Tại sao không?

Mai Thanh

Hợp tác với các trường đại học, thậm chí là khởi nghiệp ngay trong các trường đại học sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các startup trong chặng đường phát triển…

Nhiều dự án startup đang bắt đầu chú ý đến sáng kiến hợp tác với các cơ sở giáo dục để có thêm nhiều cơ hội mới
Nhiều dự án startup đang bắt đầu chú ý đến sáng kiến hợp tác với các cơ sở giáo dục để có thêm nhiều cơ hội mới

Nhiều công ty đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự. Họ cần những người phù hợp và gắn bó với giá trị của doanh nghiệp, sẵn sàng với những trải nghiệm mới.

SINH VIÊN ĐẠI HỌC SẴN SÀNG HỌC HỎI VÀ CHIA SẺ KINH NGHIỆM

Tuyển dụng tại các trường đại học là tìm kiếm người phù hợp nhất giữa những bạn trẻ tài năng, tham vọng và năng động. Sinh viên có xu hướng gắn bó lâu dài sau khi hiểu rõ các giá trị và văn hóa của công ty.

Sinh viên đại học có tính cách cởi mở và sẵn sàng chia sẻ kiến thức để trở thành những nhân viên có giá trị. Ngày hôm nay họ chỉ là một sinh viên, nhưng ngày mai họ sẽ quay lại trường cũ và đem các giá trị thương hiệu của công ty tới với thế hệ sau này. Chu kỳ chuyển giao kiến thức này là một vòng lặp tuyệt vời để phát triển kỹ năng cố vấn của các doanh nghiệp.

Những sinh viên giỏi nhất là những người trưởng thành từ cấp dưới tới vị trí dẫn đầu. Họ cũng là đối tượng sẵn sàng truyền đạt kiến thức của mình tới với người khác. Đồng thời, họ đam mê và năng nổ trong các tổ chức và sự kiện của doanh nghiệp tại trường. Việc chiêu mộ những tài năng sinh viên về các doanh nghiệp đã là một thành công lớn.

GIÁO DỤC LÀ MÔI TRƯỜNG LÝ TƯỞNG ĐỂ TẠO DỰNG THƯƠNG HIỆU

Việc liên kết doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục luôn có lợi, đặc biệt là về mặt thương hiệu. Khi các công ty khởi nghiệp thể hiện tâm thế sẵn sàng giảng dạy và đầu tư cho thế hệ tương lai, họ sẽ nhận được sự tôn trọng từ các nhà đầu tư đang quan sát ở bên ngoài.

Tổ chức các lớp học tổng quát, các bài giảng cá nhân, hội thảo và sự kiện tại trường đại học sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông do đây là một khoản đầu tư có tác động tích cực cho xã hội. Thêm vào đó, thời gian dành cho việc chuyển giao từ kiến thức sang kinh nghiệm cho các bạn sinh viên là một khoản đầu tư vô giá mà không phải ai cũng tiếp cận được. Nó còn đem lại lợi nhuận cao về sau và không mất quá nhiều tài nguyên khi thử nghiệm.

CỦNG CỐ VĂN HÓA NỘI BỘ CỦA CÔNG TY

Nhân viên được đào tạo thông qua các khóa học do doanh nghiệp tổ chức, trước khi chính thức gia nhập vào bộ máy công ty, họ sẽ được truyền cảm hứng về những giá trị và sứ mệnh của thương hiệu. Tuy là những người trẻ, nhưng họ có khả năng sẽ trở thành các quản lý, trưởng nhóm trong tương lai. Vì vậy họ cũng là những nhân tố tạo động lực củng cố văn hóa của doanh nghiệp.

Sinh viên được ví như những “đại sứ thương hiệu”. Họ có khả năng xây dựng nên tinh thần của một công ty và giữ gìn điều đó. Tham gia các khóa học tại trường hoặc trực tiếp tham gia vào các dự án thực nghiệm sẽ khiến họ dễ dàng"lọt vào mắt xanh" của các doanh nghiệp và trải qua quá trình đánh giá độ phù hợp với văn hóa của công ty.

Các định hướng học tập thực hành (như học tập dựa trên dự án, lớp học lật ngược) là nền tảng thử nghiệm lý tưởng để khai thác tiềm năng của các ứng viên tương lai từ mọi phía. Đây là điều mà một cuộc phỏng vấn thông thường tại các công ty không thể làm được. 

SINH VIÊN THƯỜNG MANG ĐẾN NHỮNG Ý TƯỞNG ĐỘT PHÁ

Khi không sở hữu nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực, chúng ta sẽ không bị áp đặt bởi những ràng buộc, quy tắc và giới hạn. Vì lẽ đó mà sinh viên được coi là những đối tượng có ý tưởng sáng tạo và cởi mở nhất. Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ cũng có khởi điểm sự nghiệp khi còn rất trẻ, điển hình như Mark Zuckerberg sáng lập Facebook (nay là Meta) khi mới 19 tuổi, Michael Dell sáng lập Dell khi 21 tuổi hay Elon Musk, người sáng lập nên Zip2, Tesla và SpaceX khi mới 24 tuổi.

Những gã khổng lồ công nghệ khác như Twitter, TaskRabbit, Microsoft và Snapchat cũng được sáng lập bởi những người đang ở độ tuổi đại học, và họ có chung một tham vọng là thay đổi thế giới. Bài học dành cho các doanh nghiệp hiện nay là: hãy xây dựng mối quan hệ hợp tác với môi trường giáo dục để chào đón những ý tưởng mới và mạnh mẽ của thế hệ trẻ.

Cũng cần lưu ý đến những bất lợi sẽ nảy sinh khi startup với đội ngũ nhân viên là sinh viên
Cũng cần lưu ý đến những bất lợi sẽ nảy sinh khi startup với đội ngũ nhân viên là sinh viên

Tuy vậy, mô hình này cũng có một số bất lợi mà doanh nghiệp cần lưu ý. Chẳng hạn, kiệt sức là một trong những rủi ro nghiêm trọng cần phải tính đến. Sinh viên dễ bị kiệt sức nhanh chóng do họ có đam mê nhưng lại không nhiều kinh nghiệm thực tế. Việc kèm cặp cho những sinh viên này cũng sẽ gây căng thẳng cho những nhân viên kỳ cựu. Nên nhớ, trở thành cố vấn cho các bạn sinh viên đồng nghĩa với việc bạn phải tăng thêm trách nhiệm và khối lượng công việc.

Phát triển đội ngũ sinh viên ham học hỏi, sáng tạo và có động lực thay đổi thế giới là khoản đầu tư tốt nhất mà một công ty khởi nghiệp có thể làm. Khi bắt tay truyền đạt kiến thức, thảo luận và tạo động lực cho các sinh viên mang trong mình nhiều tham vọng, thế giới sẽ bắt đầu chú ý tới doanh nghiệp của bạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate