Thị trường tiếp diễn trạng thái lình xình đi ngang với mức thanh khoản xuống đáy 30 phiên. Nhà đầu tư thậm chí còn giảm giao dịch hơn so với các phiên trước và tổng giá trị 3 sàn chỉ còn chưa tới 14.000 tỷ đồng. Điểm tích cực là sự chờ đợi của dòng tiền không đem lại kết cục quá tệ trên bảng điện. VN-Index sau nhiều lần nhúng xuống sát mức 1260 điểm trong phiên, đóng cửa vẫn là 1261,72 điểm, chỉ giảm 2,07 điểm so với tham chiếu.
Độ rộng kém với 147 mã tăng và 232 mã giảm, nhưng mức độ giảm điểm không mạnh. Các cổ phiếu blue-chips có một ngày giao dịch thất vọng khi lại là nhóm yếu nhất. FPT sụt giảm 1,27%, MWG giảm 1,15% là hai cổ phiếu có thanh khoản nổi bật, chiếm tới 30,4% tổng giá trị khớp lệnh cả rổ. Đây là hai mã xuất hiện áp lực bán rõ nhất, đa số còn lại giảm nhẹ. Ngược lại, nhóm cổ phiếu nhỏ được chú ý.
Nhìn từ góc độ thanh khoản, rổ Smallcap lại là nhóm duy nhất tăng thanh khoản phiên này, khoảng 20% so với hôm qua trong khi VN30 giảm 8%, Midcap giảm 12%. Một số mã giao dịch với thanh khoản khá ấn tượng là GEE tăng 1,02%, KDH tăng 1,16%, VTP tăng 2,54%, DBC tăng 1,49%.
Thậm chí nếu chỉ xét về giá, STG, ABS, PAC, FIR, SGT, GSP, HVH, YEG còn kịch trần. Dường như trong bối cảnh dòng tiền chung đang chờ đợi kết thúc tuần nhiều sự kiện tác động thì vẫn có các dòng tiền nóng nhỏ hơn tìm kiếm những cơ hội đơn lẻ. Điều này có thể xem là tín hiệu tích cực vì cuối cùng thì lòng tham vẫn chưa thể rời bỏ thị trường, bất chấp tình hình giao dịch chung đem lại cảm giác chán nản.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bất ngờ bán ròng tăng vọt, trong đó xả cổ phiếu FPT tới gần 312 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng lớn nhất 9 phiên của khối này trên sàn HoSE. Tuần này các quỹ ETF ngoại sẽ cơ cấu lại danh mục và hạn chót là phiên cuối tuần 20/12. Các giao dịch bán lẻ tẻ có thể đã xuất hiện.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 768.5 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 672.4 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm Y tế, Truyền thông. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: SIP, VHM, HDB, DXG, VIX, DGC, KDH, CTG, VTP, HAH.
Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Công nghệ Thông tin. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: FPT, MWG, NLG, HPG, VRE, VCB, VGC, CMG, SSI.
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 801.1 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 675.7 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 14/18 ngành, chủ yếu là ngành Công nghệ Thông tin. Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung gồm: FPT, HPG, MWG, VRE, NLG, VPB, PVD, VCB, SSI, VGC.
Phía bán ròng khớp lệnh: họ bán ròng 4/18 ngành chủ yếu là nhóm ngành Y tế, Truyền thông. Top bán ròng có: VHM, DXG, SIP, VIX, VTP, CTG, HDB, KBC, CTD.
Tự doanh bán ròng 86.2 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 31.0 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tự doanh mua ròng 5/18 ngành. Nhóm mua ròng mạnh nhất là Hàng & Dịch vụ Công nghiệp, Bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm nay gồm GEE, NLG, CTD, PNJ, FTS, DXG, VCG, GMD, FUEVFVND, E1VFVN30. Top bán ròng là nhóm Ngân hàng. Top cổ phiếu được bán ròng gồm FPT, VPB, KDH, ACB, VCB, STB, MSN, HDB, SHB, HPG.
Nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 46.0 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 27.7 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tổ chức trong nước bán ròng 7/18 ngành , giá trị lớn nhất là nhóm Hàng & Dịch vụ Công nghiệp Top bán ròng có GEE, HAH, NLG, ORS, TCB, HDB, TCH, TCM, HPG, EVF. Giá trị mua ròng lớn nhất là nhóm Công nghệ Thông tin. Top mua ròng có FPT, VTP, VIB, VJC, MWG, VCB, KBC, STB, CTG, CTD.
Giao dịch thỏa thuận hôm nay đạt 4.130,6 tỷ đồng, tăng +11,5% so với phiên liền trước và đóng góp 29,8% tổng giá trị giao dịch.
Hôm nay có giao dịch thỏa thuận đáng chú ý ở cố phiếu EIB, với hơn 11 triệu đơn vị tương đương 215,1 tỷ đồng được sang tay giữa các Tổ chức trong nước.
Ngoài ra nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giao dịch ở nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng (EIB, TCB, STB, VPB, HDB, LPB) và nhóm vốn hóa lớn (FPT, VHM, HPG, MSN). Với EIB, hôm nay là phiên thứ 2 liên tiếp mà nhà đầu tư cá nhân thực hiện “sang tay” thỏa thuận hàng chục triệu đơn vị.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở Hóa chất, Nuôi trồng nông & hải sản, Thiết bị và dịch vụ dầu khí, Phần mềm, Vật liệu xây dựng & nội thất, Dệt may trong khi giảm ở Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán, Thép, Thực phẩm, Bán lẻ, Sản xuất và khai thác dầu khí, Nhựa, cao su & sợi.
Tính riêng khớp lệnh, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở nhóm vốn hóa nhỏ VNSML, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa lớn VN30 và vừa VNMID.