Phiên giao dịch đầu tuần đã không trở nên tích cực như tâm lý thị trường mong đợi nhân chuyến thăm nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ của Tổng thống Joe Biden. Áp lực bán tháo mạnh mẽ diễn ra đặc biệt vào cuối phiên chiều khiến chỉ số bị bay 17,85 điểm, tương ứng giảm 1,44% về vùng giá 1.223 điểm. Độ rộng cực tệ, 446 mã giảm điểm trên 85 mã xanh.
Thanh khoản ba sàn lại vượt lên trên ngưỡng cao 36.000 tỷ đồng trong đó khối ngoại bán ròng gần 1000 tỷ đồng chủ yếu xả HPG 209 tỷ đồng, SSI bán ròng 164 tỷ đồng, VHM 125 tỷ đồng và KBC 92,78 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại khối ngoại gom ròng DGC 51,12 tỷ đồng; VCB 56,40 tỷ đồng; DPR 21,17 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế từ đầu tháng 5 đến hết phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 13.000 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm, khối ngoại đã ghi nhận bán ròng 6.103 tỷ đồng tính từ đầu năm 2023. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại hồi phục lên mức 8,0% so với mức 7,2% hồi tháng 7.
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 1947,8 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 1481,8 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 15/18 ngành, chủ yếu là ngành Ngân hàng. Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung gồm: HPG, SSI, VHM, FPT, VPB, KBC, STB, VIX, VRE, HCM. Phía bán ròng khớp lệnh: họ bán ròng 3/18 ngành chủ yếu là nhóm ngành Xây dựng và Vật liệu, Y tế. Top bán ròng có: DGC, VGC, PDR, FRT, ANV, GEX, VCG, PLX, BMP.
Tự doanh bán ròng 288,7 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 435 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tự doanh mua ròng 2/18 ngành. Nhóm mua ròng mạnh nhất là Dịch vụ tài chính, Y tế.
Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm nay gồm FUESSVFL, FUEVFVND, VHM, EIB, DXS, VHC, VCG, FUEMAV30, DHG, FUEKIV30. Top bán ròng là nhóm Công nghệ Thông tin. Top cổ phiếu được bán ròng gồm FPT, MWG, VNM, VPB, MBB, ACB, TCB, VIB, STB, HPG.
Nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 659,2 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 22.9 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tổ chức trong nước bán ròng 8/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm Dịch vụ tài chính. Top bán ròng có VIX, VPB, DXS, PVT, DIG, GVR, HCM, FUEVFVND, LPB, DCM. Giá trị mua ròng lớn nhất là nhóm Bất động sản. Top mua ròng có SSI, HPG, DGC, VHM, VNM, VCG, VGC, VCB, TCB, DXG.
Giao dịch thỏa thuận hôm nay đáng chú ý là VHM với việc chuyển nhượng 10,6 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 554 tỷ đồng) từ Tổ chức sang cá nhân. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp xuất hiện giao dịch thỏa thuận giữa Tổ chức và cá nhân ở cổ phiếu VHM.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục thỏa thuận sang tay nội khối nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như VSC, SC5, SHB, HDB, DGC, HT1.
Khai khoáng là ngành đáng chú ý hôm nay khi các cổ phiếu trong ngành tăng giá mạnh, đi ngược lại diễn biến chung của thị trường. Giá trị khớp lệnh của ngành Khai khoáng hôm nay cao gấp 2,2 lần so với mức trung bình 5 ngày và chỉ số giá tăng +6,48% (VNINDEX giảm -1,44%). Tỷ trọng phân bổ dòng tiền cải thiện so với hôm qua và chạm mức cao nhất trong 10 phiên. Chỉ số dòng tiền tích lũy FMI_Abs hồi phục từ vùng đáy 1 năm.
Giao dịch tập trung ở 3 cổ phiếu, bao gồm KSB, VPG, MSR, tuy nhiên chỉ có cổ phiếu của hai DN thuần khai khoáng (MSR và KSB) tăng giá trong khi đó cổ phiếu VPG giảm sàn.
Các tin tức về tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử/công nghệ cao được cho là thông tin hỗ trợ cổ phiếu MSR do DN này đang sở hữu ưu thế lớn trong việc cung ứng các sản phẩm Vonfram.
Cổ phiếu Khai khoáng ít nhận được sự chú ý của dòng tiền do số lượng mã chứng khoán trong ngành khá ít ỏi và ngoại trừ VPG, các cổ phiếu còn lại có thanh khoản tương đối thấp. Diễn biến giá cổ phiếu ngành Khai khoáng thường liên quan mật thiết đến diễn biến giá nguyên vật liệu cơ bản.
Tỷ trọng giá trị giao dịch ở nhóm vốn hóa lớn VN30 giảm còn 40,13% hôm nay từ mức 42,7% phiên thứ 6 tuần trước và chỉ số giá giảm -1,48%. Xu hướng bán ròng của khối ngoại kéo dài là yếu tố gây áp lực lên giá nhiều cổ phiếu thuộc rổ VN30 trong phiên hôm nay, bao gồm HPG, SSI, VHM, STB.
Trong khi đó, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng mạnh ở nhóm vốn hóa vừa VNMID, đạt 50,7% (vs. 40,3% ngày 8/9), nhưng chỉ số giá giảm sâu hơn thị trường chung, thể hiện áp lực chốt lời mạnh.
Các cổ phiếu thuộc rổ VNMID có tín hiệu Bán chủ động với khối lượng lớn bao gồm VIX, DXG, DIG, GEX, BCG.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền ở nhóm vốn hóa nhỏ tăng nhẹ lên gần 12% từ mức 10% trước đó.