March 15, 2023 | 19:10 GMT+7

Khôi phục bất động sản nghỉ dưỡng không phải dễ

Thanh Xuân -

Đã qua hai tháng đầu năm 2023, nhưng Việt Nam mới đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn 40% so cùng kỳ năm 2019. Hai thị trường khách quốc tế lớn hiện nay chỉ có  du khách Hàn Quốc 560.000 lượt và Mỹ 148.000 lượt. Vì vậy, cùng với những khó khăn khác thì khôi phục bất động sản nghỉ dưỡng không phải dễ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đại dịch, lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng với tốc độ bình quân 16,9% mỗi năm trong giai đoạn 2009 - 2019. Điều này giúp thúc đẩy hoạt động phát triển các dự án nghỉ dưỡng diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt giai đoạn 2017 - 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 phòng khách sạn trung cao cấp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đại dịch đã giáng đòn nặng nề vào đà tăng trưởng của ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Do đó chuyên gia nhận xét phải cần rất nhiều nỗ lực để ngành có thể khôi phục hoàn toàn.

CẦU CHƯA THEO KỊP TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA CUNG 

Về vấn đề này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, cho rằng việc khôi phục ngành bất động sản nghỉ dưỡng không phải nhiệm vụ dễ dàng, mà một trong những nguyên nhân là lượng khách. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, với số lượng lớn nguồn cung phòng đang hoạch định và phát triển, thì ngành du lịch Việt Nam ước tính nguồn cầu tăng trưởng từ 20%-30% mỗi năm để theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung. Cho đến hiện tại, qua hai tháng đầu năm 2023, Việt Nam mới đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn 40% so cùng kỳ năm 2019. Hai thị trường khách quốc tế lớn chỉ có  du khách Hàn Quốc 560.000 lượt, Mỹ 148.000 lượt.

Du khách nội địa 20 triệu lượt, tăng so cùng kỳ năm ngoái nhưng theo vị này, sự thiếu vắng của khách quốc tế, cụ thể  khách Trung Quốc, đã đem tới nhiều thách thức cho quá trình khôi phục của ngành du lịch. Trước khi đại dịch xảy ra, gần 1/3 trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 là khách Trung Quốc.

Đáng chú ý, một số điểm đến ven biển phụ thuộc khá lớn vào nguồn khách đó, chẳng hạn như khách Trung Quốc chiếm 70% tổng lượt khách quốc tế tới Nha Trang năm 2019. Qua thống kê của Savills Hotels, Nha Trang cung cấp hơn 24.000 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp, mà khoảng 50% đưa vào hoạt động giai đoạn 2017-2019.

"Đến nay, Nha Trang vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thị trường Trung Quốc chưa được như trước. Từ tình hình trên, Nha Trang cần sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường”, chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, so với những địa điểm du lịch ven biển, hoạt động kinh doanh tại thành phố lớn lại có cải thiện. Công suất phòng của khách sạn tại TP.HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Song bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận tư vấn Savills Hotels APAC cho rằng công suất phòng có thể đang cải thiện, song giá phòng bình quân ở các thành phố lớn vẫn thấp hơn 15% - 20% so năm 2019.

Đánh giá về thị trường Việt Nam, các chuyên gia của Savills lưu ý, thị trường chưa có sự đa dạng về sản phẩm lưu trú, du lịch và chất lượng dịch vụ cũng phải nâng cấp. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư chưa chú trọng đến việc lựa chọn những mô hình phù hợp với xu hướng, mà chỉ đơn thuần sao chép sản phẩm hiện hữu.

CƠ HỘI CHO NHÀ ĐẦU TƯ NẮM BẮT TỐT XU HƯỚNG

Theo ông Mauro, thị trường đang cạnh tranh ngày càng gay gắt nhưng vẫn có cơ hội dành cho nhà đầu tư nắm bắt tốt các xu hướng, nhu cầu của du khách. Những mô hình mới đáp ứng nhu cầu của tệp du khách trẻ trong nước lẫn quốc tế như:  poshtel, khu phức hợp nghỉ dưỡng với tiện ích giải trí, khách sạn dịch vụ chọn lọc, co-living và co-working… có thể cân nhắc tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam hoàn toàn đủ tiềm năng phát triển dự án hạng sang tại trung tâm thành phố.

Mặt khác, sản phẩm biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng theo mô hình condotel cũng xem là một kênh đầu tư tốt, song cần hoạch định cẩn trọng để đem lại giá trị cho cả chủ đầu tư, chủ sở hữu cùng khách lưu trú. Các chủ đầu tư nên chú trọng đến khía cạnh chất lượng của dự án, thay vì đơn thuần tập trung vào quy mô. Điều này sẽ giúp dự án gia tăng giá trị theo thời gian.

Bổ sung thêm, đại diện Savills kỳ vọng rằng nhu cầu về các sản phẩm nghỉ dưỡng chú trọng đến yếu tố chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng với nhiều mô hình cũng đáng cân nhắc gồm: các khu nghỉ dưỡng kèm hoạt động yoga, trị liệu, khu dân cư dành cho người cao tuổi (senior living), khu nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp lân cận thành phố lớn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã chia sẻ trong một tọa đàm gần đây rằng nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang tăng cao. Sống xanh, sống khỏe, sống nhân văn, cá tính trở thành xu hướng và rất phù hợp với cuộc cách mạng bất động sản hiện nay.

Thị trường bất động sản, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi khi có đường bờ biển dài, nhiều thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử, cùng nền y học cổ truyền đặc sắc, nhiều hệ thống suối khoáng nóng… đang vô cùng thích hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khách du lịch. Hy vọng những tiềm năng này sẽ được khai thác hiệu quả trong thời gian tới, từ đó góp phần hỗ trợ ngành du lịch phục hồi nhanh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate