Đại biểu đề nghị cần xử lý cả hành vi tiếp nhận sử dụng ô tô, tài sản do biếu, tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sáng 21/6.
Báo cáo cho biết, bên cạnh đề nghị trên, đại biểu khác cho rằng không nên cấm việc tiếp nhận tài sản mà cần quy định cơ chế tiếp nhận tài sản tập trung tại một đầu mối do một cơ quan quản lý thống nhất, sau đó sắp xếp, phân bổ tài sản biếu, tặng cho bảo đảm đúng tiêu chuẩn định mức, chế độ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, thực tế hiện nay, hàng năm Chính phủ Việt Nam đang tiếp nhận nhiều tài sản từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dưới hình thức trao tặng, ủng hộ, viện trợ, như hệ thống nước sạch nông thôn, ô tô chuyên dụng, thiết bị y tế, thuốc men, thiết bị giáo dục… Việc nghiêm cấm hành vi nhận tài sản để tránh các tiêu cực trong việc nhận tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
Luật này quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công, do đó, chỉ nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản công (sau khi được xác lập quyền sở hữu toàn dân) không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ và quy định những nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, sử dụng. Việc quy định cụ thể về xác lập quyền sở hữu, lập phương án xử lý tài sản tặng cho được thực hiện theo quy định tại mục 2 chương 6 và giao thẩm quyền quy định chi tiết cho Chính phủ.
Một nội dung mới đáng chú ý là Quốc hội giao Chính phủ quản lý kho số xe, số tàu thuyền, máy bay, số căn cước công dân, hộ chiếu… quy định việc khai thác, sử dụng. Với biển số xe, việc đấu giá được nhấn mạnh với nguyên tắc người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp…
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu lại vấn đề từng gây tranh luận rất nhiều trong quá trình thảo luận luật này – việc có coi biển số xe là một loại tài nguyên để khai thác.
Cụ thể, một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu quy định biển số xe được phép đấu giá thì cần thiết phải bãi bỏ khoản 22 điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định về cấm mua bán biển số xe.
Ý kiến khác cho rằng, nếu cho phép đấu giá biển số xe thì biển số xe sẽ là tài sản của cá nhân, khi đó cá nhân có quyền đem bán biển số này khi không sử dụng hay không? việc quản lý nhà nước về số xe sẽ thực hiện như thế nào?
Có ý kiến đề nghị cần quy định trong luật này nguyên tắc về quản lý, sử dụng các kho số do Nhà nước quản lý.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, kho số của Nhà nước gồm nhiều loại khác nhau và được khai thác bằng các hình thức khác nhau để phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu quản lý của từng loại kho số (số xe, tàu, thuyền, máy bay, căn cước công dân, hộ chiếu, ...) và bảo đảm phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.
Mặt khác, kho số phục vụ quản lý nhà nước là một loại tài nguyên, việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc chung và quy định về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc khai thác từng loại kho số phục vụ quản lý nhà nước để đảm bảo các yêu cầu nêu trên.
“Riêng đối với biển số xe, việc đấu giá (nếu có) không được làm ảnh hưởng tới việc quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông vì mỗi biển số được cấp gắn với một phương tiện giao thông;người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh khẳng định, quy định này, theo đó, không mâu thuẫn với quy định về việc cấm mua bán biển số xe của Luật Giao thông đường bộ.
Theo đó, tại khoản 7 điều 4, luật đã quy định, kho số viễn thông và kho số khác là một loại tài sản nhà nước.
Liên quan đến lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, có ý kiến cho rằng, việc quy định đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường là khó thực hiện, cần quy định rõ trách nhiệm lỗi cố ý, lỗi vô ý và có lỗi hay không có lỗi.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các nội dung trên. Theo đó chỉ quy định các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc xác định mức độ thiệt hại và lỗi của cơ quan, cá nhân gây thiệt hại tài sản công do cố ý hay vô ý và có lỗi hay không có lỗi sẽ được pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.
Đề nghị quy định hình thức xây dựng trụ sở theo mô hình khu hành chính tập trung là xu hướng bắt buộc khi bảo đảm các điều kiện về mặt quy hoạch, diện tích và nhu cầu sử dụng cũng là ý kiến mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình.
Theo đó, thực tế hiện nay, hệ thống trụ sở của các cơ quan nhà nước cơ bản đã được hình thành và quản lý theo mô hình phân tán, việc thay đổi mô hình xây dựng cần phải có lộ trình cụ thể phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của Nhà nước, tránh lãng phí khi chuyển ngay sang mô hình khu hành chính tập trung.
Vì vậy, chưa quy định bắt buộc việc xây dựng khu hành chính tập trung ngay trong dự thảo luật mà chỉ quy định các yêu cầu phải tuân thủ khi xây dựng khu hành chính tập trung. Trên cơ sở đó, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc xây dựng khu hành chính tập trung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.