August 16, 2022 | 15:42 GMT+7

Không chỉ "đứt gãy" do lạm phát, nền kinh tế toàn cầu đối mặt loạt sóng gió bủa vây

Ngọc Trang -

Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu đã có quý tăng trưởng âm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hai năm trước...

Cảng dọc bờ sông Chao Phraya ở Bangkok - Ảnh: Reuters
Cảng dọc bờ sông Chao Phraya ở Bangkok - Ảnh: Reuters

Sự suy giảm này của kinh tế toàn cầu diễn ra trong bối cảnh loạt sóng gió bủa vây, từ lạm phát leo thang ở phương Tây cho tới chính sách hạn chế phòng dịch Zero-Covid ở Trung Quốc. Theo tờ báo Nikkei Asia, riêng lạm phát trở thành một “đường đứt gãy” trong nền kinh tế toàn cầu. “Đường đứt gãy” này có nguy cơ mở rộng ra nếu xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan hoặc những nơi khác.

Mỹ và châu Âu đang đối mặt với bài kiểm tra về việc liệu hai nền kinh tế này có thể tiếp tục dẫn đầu thị trường toàn cầu hay không, khi mà bản thân họ cũng đang phải vật lộn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào lao động Trung Quốc và năng lượng Nga.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng âm trong quý 2 do sự sụt giảm ở Trung Quốc và Nga, trong khi chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ không như kỳ vọng. 

"Một vài cú sốc đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu vốn đã suy yếu vì đại dịch: Lạm phát cao hơn dự báo trên toàn thế giới - đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn châu Âu - đã khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn; suy giảm kinh tế tồi tệ hơn dự báo ở Trung Quốc do các đợt bùng dịch và biện pháp phong tỏa; và tác động tiêu cực tiếp tục lan rộng từ cuộc chiến tranh ở Ukraine", báo cáo của IMF viết. 

Nhà phân tích Yoshimasa Maruyama của SMBC Nikko Securities dự báo GDP toàn cầu giảm 2,7% trong quý.

Mỹ, Đức, Anh và Trung Quốc đều ghi nhận tăng trưởng âm trong quý 2. Về mặt kỹ thuật, Mỹ đã rơi vào suy thoái sau khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Còn Anh được dự báo bước vào suy thoái trong quý 4 năm nay và tăng trưởng âm trong suốt năm 2023, theo dự báo đầu tháng này của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Theo một khảo sát của Nikei với 10 nhà kinh tế trong khu vực tư nhân, 3 người dự báo Mỹ bước vào suy thoái trong năm nay hoặc nửa đầu năm 2023, trong khi 6 người khác đưa ra dự báo tương tự cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tại Nhật, tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực tế tăng 2,2% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước, trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, phần lớn tăng trưởng này không đến từ các yếu tố trong nước và tăng trưởng tiềm năng vẫn ở mức thấp. Sự sụt giảm nhu cầu ở nước ngoài cũng có nguy cơ khiến nền kinh tế nước này đi chệch hướng.

Những dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu đối với thiết bị và dịch vụ số - yếu tố dẫn đầu quá trình phục hồi hậu Covid của thế giới – bắt đầu chững lại.

"Một số khách hàng lớn nhất của chúng tôi đang giảm mức hàng tồn kho với tốc độ chưa từng thấy trong thập kỷ qua”, CEO của hãng công nghệ Intel, ông Patrick Gelsinger, cho biết khi công bố doanh thu máy tính của công ty hồi cuối tháng 7.

Trong quý 2 năm nay, Intel có quý lỗ ròng đầu tiên kể từ quý cuối cùng của năm 2017.

Theo công ty International Data Corp. có trụ sở tại Mỹ, doanh số máy tính cá nhân toàn cầu giảm khoảng 15%, còn doanh số điện thoại thông minh giảm 9% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước.

Hãng nghiên cứu Gartner gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng doanh thu bán dẫn toàn cầu trong năm nay từ mức 13,6% xuống còn 7,4%.

Mây đen cũng đang phủ bóng lên thị trường hàng hóa. Ngày 15/8, kim loại đồng – mặt hàng có độ nhạy cảm cao với những sự dịch chuyển trong nền kinh tế - giao dịch ở mức giá khoảng 8.100 USD/tấn, giảm gần 30% so với thời điểm ngay sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuói tháng 2. Thép công nghiệp như nhôm, nikkel cũng đang giao dịch ở mức thấp hơn 10-20% so với thời điểm ngay sau xung đột.

Theo các nhà kinh tế, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn tương đối mờ mịt. Kinh tế Trung Quốc suy giảm 10% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước, khi lĩnh vực bất động sản - động lực chính cho tăng trưởng của nước này – vẫn trì trệ kể cả sau khi các biện pháp phong tỏa kéo dài nhiều tháng ở Thượng Hải được gỡ bỏ hồi tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc lên tới 19,9% trong tháng 7.

Lạm phát đang ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình trên toàn thế giới, góp phần gây ra quan ngại về một cuộc suy thoái sắp tới - Ảnh: Reuters
Lạm phát đang ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình trên toàn thế giới, góp phần gây ra quan ngại về một cuộc suy thoái sắp tới - Ảnh: Reuters

Ở châu Âu, cuộc chiến tranh ở Ukraine đã đóng băng nguồn cung năng lượng cho châu lục này. Trong tháng 7, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom bắt đầu giảm hơn 80% lượng khí đốt cung cấp cho Đức. Hãng hóa chất BASF của Đức lo rằng công ty khó có thể tiếp tục hoạt động dựa vào nguồn cung khí đốt hiện tại.

Chi phí tiện ích leo thang đang khiến các hộ gia đình ở Đức phải thắt lưng buộc bụng. Doanh thu bán lẻ của nước này giảm 8,8% trong tháng 6, mức giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này được theo dõi vào năm 1994.

Lạm phát ở Eurozone tăng ba tháng liên tiếp trong tháng 7 với mức 8,9%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 27/7 đã tăng lãi suất từ âm 0,5% lên 0%. Đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất trong 11 năm nhằm ứng phó với tình trạng giá cả leo thang.

Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 6 và một lần tăng với bước nhảy tương tự trong tháng 7, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 2,5% - một mức “trung lập” được cho là sẽ không làm hạ nhiệt hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức trên 8%. Điều này làm dấy lên những dự báo rằng Fed có thể tăng lãi suất lên mức trên 3%.

Giới phân tích nhận định, dù lạm phát “nóng” đang bóp nghẹt chi tiêu của các hộ gia đình, nhưng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Mỹ.

Mỹ và châu Âu đang đối mặt áp lực ngày càng lớn để đạt được sự cân bằng mong manh giữa kiềm chế sự gia tăng kỷ lục của giá cả tiêu dùng và chống suy thoái kinh tế.

Một số nhà phân tích tin rằng kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tương đối tốt với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống gần mức thấp nhất 50 năm là 3,5%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố bất định, ví dự như việc nhiều doanh nghiệp công nghệ ở Mỹ đã bắt đầu sa thải hàng loạt nhân sự.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate