December 16, 2021 | 06:00 GMT+7

Không chọn đô thị “nén”, Lâm Đồng sẽ phát triển theo chuỗi đô thị

Ban Mai -

Lâm Đồng sẽ chọn hướng phát triển theo chuỗi đô thị, mô hình đô thị chuyên biệt, vệ tinh xoay quanh đô thị trung tâm, không hình thành các đô thị “nén” kém thân thiện với môi trường…

TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sẽ được xây dựng hạ tầng để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sẽ được xây dựng hạ tầng để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Theo Công văn số 2589 của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng gửi Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng về Báo cáo tình hình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2021 thì các dự án phát triển khu đô thị hiện nay tại Lâm Đồng chủ yếu tập trung ở 2 thành phố: Đà Lạt và Bảo Lộc, cùng các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh.

ĐÃ VÀ ĐANG XÂY 22 DỰ ÁN NHÀ Ở

Trong 10 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã và đang xây dựng 22 dự án nhà ở (08 dự án đã hoàn thành, 14 dự án đang triển khai).

Trong đó, nhà ở thương mại (257ha), có 03 dự án đã hoàn thành, gồm: Khu dân cư mới thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, 25,91ha; Khu dân cư Tân Hà, huyện Lâm Hà, 1,58ha; Khu dân cư phường 8, thành phố Đà Lạt 1,16ha;  11 dự án đang triển khai... Tỉnh đã hoàn thành 03 dự án nhà ở xã hội với 318 căn; 01 dự án tái định cư.

Đa số các dự án khu dân cư tại Lâm Đồng được chấp thuận chủ trương trước năm 2015 xin chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng theo quy hoạch của dự án đã được phê duyệt, như: Khu đô thị mới Lý Thường Kiệt tại phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc của Công ty cổ phần Licogi 16; Khu công viên văn hóa đô thị thành phố Đà Lạt; Lô Thanh Thanh, huyện Đức Trọng; Khu đô thị và trung tâm thương mại huyện Lâm Hà...

Theo đó, số dự án đang triển khai là 11 dự án (105ha); số dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư 06 dự án (3.576ha).

 
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ phát triển thêm 04 đô thị mới: Đô thị Bằng Lăng, huyện Đam Rông; Đô thị Đạ R'Sal, huyện Đam Rông; Đô thị Hòa Ninh, huyện Di Linh; Đô thị Lộc An, huyện Bảo Lâm.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng

Số dự án đang kêu gọi đầu tư là 15 dự án  với 4.637ha, gồm: Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim; Khu dịch vụ, thương mại Nam Sơn; Khu đô thị Liên Khương – Prenn; Khu đô thị đô thị phía đông TP. Đà Lạt; Khu dân cư đồi Robin; Khu dân cư TDP 3A thị trấn Đạ Tẻh; Khu Triệu Việt Vương, phường 3…

Một trong những vấn đề được địa phương quan tâm là phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, trong năm 2022 và năm 2023, TP. Đà Lạt sẽ tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập, với tổng số căn 750 căn.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% của các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở, với tổng số căn dự kiến 646 căn.

Tập trung xây dựng nhà ở tái định cư để di dời các hộ dân đang ở trong nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước và giải tỏa các công trình trọng điểm, các công trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP. Đà Lạt, với tổng số 230 căn.

Tại huyện Đức Trọng và TP. Bảo Lộc sẽ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động trong và ngoài khu công nghiệp, với tổng số căn hộ dự kiến 850 căn.

Riêng các đô thị từ loại IV trở xuống có 02 khu vực dành để phát triển nhà ở xã hội: tại thị trấn Cát Tiên với quỹ đất 6.351m2; Dự án Khu đô thị mới – Trung tâm thương mại thị trấn Đinh Văn có quỹ đất 4.400m2.

NÂNG HẠNG HÀNG LOẠT ĐÔ THỊ

Theo kế hoạch, Lâm Đồng sẽ xây dựng TP. Đà Lạt và vùng phụ cận là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.

Đồng thời, xây dựng TP. Bảo Lộc đạt tiêu chí đô thị loại II; huyện Đức Trọng thành thị xã, đạt tiêu chí đô thị loại III; quy hoạch và xây dựng đô thị Liên Khương – Prenn và các đô thị khác thành chuỗi các đô thị vệ tinh cho TP. Đà Lạt và Bảo Lộc.

 
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 15 đơn vị hành chính được công nhận cấp đô thị, gồm: 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Tổng dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người, trong đó, dân số toàn đô thị là 599.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh gần 43%.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, dự kiến trong quý 1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh.

Đến quý 2/2022, Sở sẽ hoàn thành đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận.

Đối với các địa phương thuộc kế hoạch nâng loại đô thị lên loại IV trong giai đoạn từ 2022 – 2023, như: TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc; huyện Đức Trọng; thị trấn Di Linh, huyện Di Linh; thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà… dự kiến sẽ hoàn thành và trình phê duyệt trong giai đoạn 2022 – 2023.

Cũng trong giai đoạn 2022-2023, Lâm Đồng sẽ tiếp tục lập đề án phân loại và công nhận đô thị loại V đối với 03 địa phương: đô thị Bằng Lăng (huyện Đam Rông), xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) và xã Hòa Ninh (huyện Di Linh).

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ lập kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị TP. Đà Lạt để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương; nâng cấp đô thị Bảo Lộc từ loại III lên loại II.

Nâng cấp các đô thị khác từ loại V lên loại IV theo nội dung Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh được duyệt, bao gồm: các thị trấn: Di Linh, huyện Di Linh; Đinh Văn, huyện Lâm Hà và Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (đã xây dựng xong hồ sơ đề nghị công nhận đô thị loại V).

Rà soát các tiêu chuẩn để công nhận đô thị loại IV đối với toàn bộ địa bàn huyện Đức Trọng nhằm đủ điều kiện nâng cấp quản lý hành chính thành thị xã.

Trong kế hoạch, huyện Đạ Huoai sẽ nhập toàn bộ 85,09km2 diện tích tự nhiên và 1.106 người của xã Đạ M’ri vào thị trấn Đạ M’ri.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, do các đô thị hiện hữu tại địa phương này được hình thành và phát triển dọc theo Quốc lộ 20 đã lâu. Vì vậy, trong các giai đoạn tiếp theo, Lâm Đồng vẫn tiếp tục lựa chọn hướng phát triển theo chuỗi đô thị.

Tuy nhiên, quá trình phát triển sẽ không dàn trải, làm “phình to” đô thị, các đô thị vẫn sẽ mở rộng nhưng sẽ theo mô hình đô thị (hoặc các khu chức năng) chuyên biệt, vệ tinh xoay quanh đô thị trung tâm. Tuyệt đối không hình thành các đô thị “nén” kém thân thiện với môi trường.

Đến nay, các đô thị tại tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển tương đối đồng bộ, về cơ bản hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đã đáp ứng nhu cầu của người dân, ngoại trừ chỉ tiêu thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nhưng lại là tiêu chí quan trọng về môi trường.

Đặc biệt, để tạo bước đột phá, Lâm Đồng muốn ưu tiên phát triển 02 đô thị: TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc để tạo cơ sở, động lực khách quan thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác tại 02 cực Bắc và Nam Lâm Đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate