Chiều 19/9, trong khuôn khổ ngày làm việc tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019- 2024, phiên thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 3 với chủ đề: "Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh" nhận được nhiều góp ý thẳng thắn của các đại biểu.
Giám sát, phản biện nhưng cần biết lắng nghe
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, qua thực tế 5 năm thực hiện 15.000 cuộc giám sát ở các cấp, gần 56.000 cuộc với cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là thông qua các hoạt động giám sát chuyên đề, có thể khẳng định, muốn phản biện tốt phải thực hiện giám sát. Đặc biệt, đối với hoạt động phản biện xã hội thì xác định cách làm và phương pháp lại càng quan trọng hơn.
5 năm, thực hiện phản biện gần 40.000 văn bản, tổ chức nhiều cuộc đối thoại với chính quyền các cấp, kinh nghiệm của Hội chính là muốn phản biện một vấn đề tốt trước hết phải xuất phát từ thực tiễn, phải tìm tòi căn cứ khoa học và dày công thử nghiệm.
Đơn cử với việc phản biện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) hiện nay đang lấy ý kiến rộng rãi, thời gian vừa qua, Hội đã phải tổ chức 7 hội thảo khoa học, lấy ý kiến độc lập của 20 chuyên gia, đặc biệt là của hơn 1 triệu phụ nữ thuộc nhiều tầng lớp lao động khác nhau.
Từ những thực tế như vậy, bà Hà nhấn mạnh rằng, giám sát phản biện cần đề cao trách nhiệm và tính xây dựng, phải biết kiên trì, lắng nghe và hợp tác mới có thể đạt được hiệu quả.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kể có những câu chuyện, Hội phải theo dõi, phải biện từ 1 - 2 năm, thậm chí nhiều năm mới góp phần thực thi được công lý. Chẳng hạn như vụ án dâm ô trẻ em xảy ra ở Vũng Tàu, ngay từ tháng 7/2016, hội đã vào cuộc, sau đó dùng rất nhiều cách thức khác nhau, từ kiến nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp làm việc với rất nhiều đơn vị, đấu tranh ròng rã trong 2 năm, cuối cùng kết quả bản án đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
"Đâu đó vẫn còn hình thức"
Cũng đánh giá cao vai trò của phản biện xã hội trong việc giải quyết các bức xúc của nhân dân, nhưng GS. TS Trần Ngọc Đường, Chủ tịch Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận thấy, qua 5 năm, cơ chế tư vấn là một cách thức rất quan trọng đối với hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận.
GS. Trần Ngọc Đường cho rằng, nhận thức về hoạt động giám sát và phản biện xã hội cần phải được nâng cao hơn nữa. Đây là cơ chế mới được thể chế trong Hiến pháp 2013, là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ nhân dân, cơ chế kiểm soát từ bên ngoài với việc thực hiện quyền lực Nhà nước.
Quan trọng nhất, khi giám sát, phản biện, chủ thể thực hiện hoạt động này phải là những người có bản lĩnh. GS. Trần Ngọc Đường nhấn mạnh, không có bản lĩnh không thể làm công việc này vì "giám sát nghĩa là đụng đến lợi ích của các bên, của những người có chức, có quyền".
Thậm chí, ông cũng thẳng thắn cho rằng việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận thời gian qua chưa tương xứng với nội hàm Hiến pháp quy định, mà đáng ra Mặt trận phải làm tốt hơn, thực chất hơn chức năng này, nhất là trong một thể chế chính trị nhất nguyên như ở Việt Nam.
"Giám sát phản biện cần thực chất hơn nữa, còn đâu đó tôi cảm nhận được hoạt động này vẫn mang tính hình thức. Về chưa thực chất này, ngay Mặt trận chúng ta cũng có. Thậm chí, cả chủ thể lẫn đối tượng chịu sự giám sát, phản biện đều chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám sát, phản biện nên chưa tạo dựng được môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động", GS.Trần Ngọc Đường nêu quan điểm.
Qua thực tiễn 5 năm hoạt động, GS. Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng phản biện giám sát "vẫn còn thiếu nhiều", chưa đầy đủ và chưa hoàn chỉnh. Do đó, chưa tạo lập được môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động này. Từ thực tế này, GS. Trần Ngọc Đường kiến nghị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hơn cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía nhân dân.
Đặc biệt, phải sớm xây dựng luật giám sát phản biện xã hội của nhân dân, trong đó bao gồm nhiều chủ thể, có tổ chức, có nhân dân, đặc biệt huy động các nhà khoa học, những người có tri thức tham gia vào hoạt động giám sát phản biện.
"Phải tạo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền dân chủ thực sự mà Hiến pháp đã quy định nhưng chưa được thể chế hóa. Trách nhiệm của các cơ quan, Nhà nước đối với hoạt động giám sát, phản biện phải cao hơn nữa trong việc tiếp thu, trả lời, khắc phục các kiến nghị của người dân chứ không phản biện xong rồi để đấy", GS. Trần Ngọc Đường đề xuất.
Từ hiệu quả của chính sách phản biện xã hội ghi nhận được tại thực tế địa phương, bà Đặng Thị Kim Ngân, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Tp. Đà Nẵng cũng đề xuất, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội, tới đây rất cần sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, các ban ngành có có liên quan.
Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cũng cần phát huy vai trò chủ động trong việc lựa chọn vấn đề, nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp, đặc biệt, cần tập trung vào những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Hơn hết, việc tập hợp các kiến nghị của nhân dân sau phản biện của Mặt trận phải khách quan, trung thực, đầy đủ và đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn. Các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả khả thi cao, tổ chức phản biện phải khách quan, công tâm vì lợi ích chung của nhân dân.
Với thực tế việc giám sát phản biện xã hội vẫn chưa có chế tài, bà Ngân cho rằng trước hết muốn phát huy tác dụng và hiệu quả thì phải công khai, minh bạch, phát huy sự tham gia của dư luận. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có cơ chế pháp lý để thực hiện có hiệu quả hơn chính sách này.