July 03, 2012 | 21:43 GMT+7

“Không có cơ sở để nói 100 nghìn tỷ đồng mua nợ xấu ngân hàng”

Từ Nguyên

“Con số 100 nghìn tỷ đồng để giải quyết nợ xấu ngân hàng mà một số thông tin gần đây phản ánh có thể là do nhầm lẫn”

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chưa có gì chính thức hết” - Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chưa có gì chính thức hết” - Ảnh: Chinhphu.vn
“Con số 100 nghìn tỷ đồng để giải quyết nợ xấu ngân hàng mà một số thông tin gần đây phản ánh có thể là do nhầm lẫn”.

Thông tin trên được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, diễn ra chiều tối ngày 3/7.

Bộ trưởng Đam cho hay, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp giải quyết, bởi đây là điểm nghẽn làm cho doanh nghiệp không tiếp cận được vốn. Hơn nữa, một khi dòng vốn không vào được sản xuất kinh doanh thì dù có tổng phương tiên thanh toán, huy động tín dụng tăng lên thì vẫn nằm trong ngân hàng.

Theo Bộ trưởng Đam, một trong những giải pháp là có thể nghiên cứu thành lập công ty mua bán nợ xấu. Song theo ông, không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước phải đợi đến khi thành lập doanh nghiệp này xong mới xử lý nợ xấu. Mà ngay tới đây, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để xử lý các khoản nợ.

“Việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chưa có gì chính thức hết. Song tôi cũng lưu ý, con số 100 nghìn tỷ đồng để giải quyết nợ xấu mà một số thông tin gần đây phản ánh có thể là do nhầm lẫn. Hiện chưa có con số cụ thể và cũng không có cơ sở nào để nói 100 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Đam nói.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Đam, giả sử nếu có cần một doanh nghiệp để xử lý nợ xấu thì cũng không phải dùng tiền mặt để giải quyết mà là dùng các công cụ tài chính, trong đó phần lớn có thể chuyển đổi được trên các thị trường.

Về phương án xử lý các ngân hàng yếu kém, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, hiện cơ quan này đang triển khai khẩn trương để sớm hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Hiện tại có phương án Chính phủ đã phê duyệt, có phương án đang xây dựng để tiếp tục trình.

Đối với nội dung xử lý nợ xấu, bà Hồng cho hay, đây là một trong những nội dung nằm trong quyết định tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cách thức, quy chế và quy mô xử lý nợ xấu như thế nào, hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nghiên cứu.

Liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã thống nhất đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2012 đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế...  Hiện chỉ tiêu lạm phát hiện vẫn trong tầm tay, tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Đối với vấn đề sản xuất, kinh doanh, trong bối cảnh chúng ta kiềm chế lạm phát, kiểm soát dòng tiền, thắt chặt đầu tư công... đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chững lại hồi đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 3 trở đi, tình hình đã cải thiện.

Đặc biệt, tình hình chỉ số vĩ mô đã tạo ra một dư địa tương đối tốt để chúng ta có thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn vào 6 tháng cuối năm mà vẫn không ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát.

Với đà này, Chính phủ quyết tâm năm nay lạm phát giữ ở mức như đã đề ra một con số, khoảng 8%, giảm tiếp trong năm tới. GDP sang năm cũng phải tốt hơn năm nay.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đam, Chính phủ không hài lòng với kết quả đã đạt được, không tô hồng những kết quả đó mà nhìn thẳng vào khó khăn trước mắt và trung hạn.

Cụ thể, sản xuất kinh doanh hiện có tăng trưởng nhưng thấp hơn trước, lại là lúc chúng ta phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung vào 3 nội dung là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng.

Chính phủ quyết tâm làm sao cả ba lĩnh vực mà chúng ta tập trung tái cơ cấu phải thực sự có hiệu quả, từ đầu tư công, ngân hàng cho đến doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhà nước, trong những năm tới phải làm sao phải có sức cạnh tranh.

Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng, xuất nhập khẩu tốt, trong khi doanh nghiệp trong nước lại khó khăn, chật vật.

“Với cá nhân tôi, nếu ai có hỏi, khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới là gì, có phải là hệ lụy của việc doanh nghiệp giải thể nhiều không? Tôi cho rằng, không phải điều đó, mà chính là chúng ta không thực hiện thành công tái cơ cấu. Đấy mới là khó khăn nhất của Việt Nam”, Bộ trưởng Đam băn khoăn.

Trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh việc tăng giá điện vừa qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lý giải, về định hướng lâu dài, một số mặt hàng, trong đó có điện phải theo cơ chế thị trường. Hiện điện đang được bán dưới giá thành đã dẫn đến nhiều hệ lụy, sử dụng lãng phí, trục lợi...

Tuy nhiên, việc đưa giá điện theo cơ chế thị trường cần phải có một lộ trình nhất định. Chính phủ chỉ đạo, việc điều chỉnh giá điện phải: công khai minh bạch giá thành, lỗ lãi; tăng nhưng không được làm ảnh hưởng tới người nghèo và phải thực hiện đúng theo luật định.

“Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn với các doanh nghiệp và một bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi tăng giá điện. Nhưng Chính phủ cũng kêu gọi doanh nghiệp, người dân phải nhìn vào mục tiêu lớn đó. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần phải lưu ý khi tăng giá của một mặt hàng nhạy cảm cần phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi”, ông Đam nhấn mạnh.

* Giải trình trước Quốc hội chiều ngày 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý khoảng trên dưới 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc là bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết để cho vay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate