June 25, 2012 | 14:56 GMT+7

“Không để các doanh nghiệp viễn thông bắt tay tăng giá”

Công Tâm - Thủy Diệu

Bộ chủ quản nói gì về việc các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế về hạ tầng tăng giá thuê kênh truyền dẫn mạnh?

Việc VNPT và Viettel tăng giá thuê kênh truyền dẫn và nhà trạm đã làm cho chi phí vận hành mạng Vietnamobile tăng lên hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.
Việc VNPT và Viettel tăng giá thuê kênh truyền dẫn và nhà trạm đã làm cho chi phí vận hành mạng Vietnamobile tăng lên hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.
Như thông tin VnEconomy đã đưa, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mới đây đã tăng tới gần 300% giá thuê kênh riêng (kênh truyền dẫn) đối với các mạng di động nhỏ như Gtel Mobile và Vietnamobile.

Đáng chú ý là có những công văn về hợp đồng thuê kênh của VNPT và Viettel ký gửi cách nhau một ngày và cùng thời hạn mà mạng nhỏ phải phản hồi xác nhận nếu không sẽ bị dừng kênh thuê. Đã có người đặt câu hỏi, liệu có chuyện Viettel và VNPT “bắt tay” tăng giá?

Tất nhiên, việc trùng hợp về mặt thời gian hoàn toàn có thể là ngẫu nhiên. Các doanh nghiệp có “bắt tay” tăng giá thuê kênh truyền dẫn hay không thì chỉ có các doanh nghiệp này biết hoặc cần tới kết luận của cơ quan điều tra.

Câu chuyện ở đây là, liệu mức giá tăng chóng mặt như trên có hợp lý, và cách giải bài toán hạ tầng truyền dẫn của các doanh nghiệp nhỏ thời gian tới như thế nào, nếu mức tăng giá thuê của VNPT và Viettel không thay đổi?

Tăng giá quá mức, Bộ sẽ xem xét

Trao đổi với VnEconomy việc các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế về hạ tầng tăng giá thuê kênh truyền dẫn mạnh, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến ngày 6/6/2012, ông mới chỉ nhận được thông tin về Viettel tăng giá thuê truyền dẫn của EVN Telecom trước đây (sau khi sáp nhập về Viettel - PV), chứ giá thuê kênh trước đây của Viettel thì vẫn được giữ nguyên!

Thông tin này ông Hải có được tại buổi họp giữa Vụ với các doanh nghiệp có hạ tầng mạng một ngày trước đó, 5/6. Theo ông, tại cuộc họp này, “không có doanh nghiệp nào nói về việc tăng giá thuê hạ tầng”, riêng chỉ có Viettel cho biết là tăng phần giá thuê hạ tầng phần của EVN Telecom trước đây bằng với giá thuê kênh thuê hiện tại của Viettel - mức giá chưa điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo thông tin văn bản VnEconomy có được, đến ngày 5/6, cả hai tập đoàn VNPT và Viettel đều đã gửi các công văn điều chỉnh giá thuê hạ tầng truyền dẫn tới Gtel Mobile và Hanoi Telecom với mức tăng vài trăm phần trăm và cơ bản là giống nhau. Các mạng nhỏ hiện đang cố đàm phán để có được giá thuê như trước.

Ông Hải phân tích, hiện hai doanh nghiệp chiếm thị phần hạ tầng khống chế là VNPT và Viettel còn dư nhiều kênh thuê, nên nếu “ông” này tăng thì thuê của “ông” kia, vì thế, thời điểm hiện tại sẽ khó có sự liên minh độc quyền.

“Tất nhiên, nếu doanh nghiệp nào tăng mạnh quá thì Bộ cũng phải “nhảy” vào xem xét mức tăng có hợp lý hay không để có những biện pháp xử lý. Còn trường hợp cả hai doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế cùng tăng thì đó là có dấu hiệu của liên minh độc quyền”, ông Hải cho biết.

Theo nhận định trên của ông Hải thì có lẽ sắp tới Cục Viễn thông sẽ phải “nhảy vào cuộc” xem xét, điều tra mức điều chỉnh giá thuê hạ tầng của Viettel và VNPT có hợp lý hay không. Ông Hải cũng khẳng định, nếu các doanh nghiệp liên minh độc quyền tăng giá mạnh, không hợp lý, chắc chắn Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý.

Việc điều chỉnh giá tăng có hợp lý hay không sẽ được căn cứ trên giá thành. Nhưng khổ nỗi, đến giờ, theo ông Hải, cả liên bộ Tài chính và Thông tin và Truyền thông vẫn chưa có được con số cụ thể thành văn bản về giá thành chi phí đầu vào của hạ tầng mạng để làm cơ sở điều hành. Dù rằng, chi phí giá thành của từng doanh nghiệp thì chính doanh nghiệp đó là nắm rõ nhất.

Theo thông tin VnEconomy có được, xây dựng một tuyến truyền dẫn, đơn cử như của Viettel, giá thành có tuyến là 1,7 triệu đồng nhưng Viettel đã cho thuê ra ngoài là 5,2 triệu đồng. Tức là mức giá thuê tăng 3 lần so với giá thành. Như thế, chỉ lợi thế về kênh thuê không thôi các mạng nhỏ đã khó thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn.

“Không hiểu khung giá mới được họ (VNPT và Viettel - PV) tăng trên cơ sở nào. Vì về nguyên tắc, kênh thuê phải ngày càng rẻ vì thiết bị đã được khấu hao, hạ tầng được khấu hao nên hạ tầng phải rẻ đi. Chả có lý gì mà ngày càng đắt lên cả”, giám đốc điều hành một nhà mạng nhỏ bức xúc.

“Khó quá sẽ tự xây dựng hạ tầng”

Chủ tịch Hanoi Telecom Phạm Ngọc Lãng cho biết, đơn vị này đang có kế hoạch kêu gọi đối tác nước ngoài là Hutchison Telecom rót vốn thêm vào mạng Vietnamobile, với số vốn có thể lên tới hàng trăm triệu USD nữa.

“Nhưng với chính sách về viễn thông đã không như kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc tăng mạnh giá thuê hạ tầng hiện tại thì sẽ khó có thể thu hút được vốn đầu tư”, ông Lãng nhìn nhận.

Việc tăng giá thuê hạ tầng rất mạnh, như lời của lãnh đạo Gtel Mobile là “quá sức chịu đựng của doanh nghiệp” thì có thể hiểu, viễn cảnh cũng như bước đi sắp tới của các doanh nghiệp nhỏ, hoặc là sẽ “rời xa” dần thị trường, hoặc là tự phải bỏ tiền ra đầu tư xây dựng hạ tầng mạng đầy đủ của riêng mình.

Tuy nhiên, vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng mạng viễn thông nhất là các đường trục cáp quang số tiền không chỉ hàng chục mà hàng trăm triệu USD. Và vì thế, đây cũng là bài toán không hề dễ dàng với các doanh nghiệp nhỏ có nguồn tài chính hạn hẹp.

Ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc Gtel Mobile nêu quan điểm, không nên để xảy ra tình trạng nhà mạng nào cũng xây hạ tầng truyền dẫn riêng, mà nên dùng chung. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho một số doanh nghiệp xây dựng hạ tầng truyền dẫn để cho các doanh nghiệp khác thuê. Tuy nhiên, giá thuê phải trên nguyên tắc có sự kiểm soát, điều phối của Nhà nước, dựa trên giá thành và tính đúng tính đủ.

“Nếu doanh nghiệp, mà nhất là doanh nghiệp Nhà nước nào cũng đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới đầy đủ, sẽ tạo ra sự lãng phí nguồn lực rất lớn của đất nước, xã hội”, ông Dư nói.

Tuy nhiên, theo ông Dư, trong trường hợp các mạng nhỏ không thỏa thuận, đàm phán được với doanh nghiệp lớn về giá thuê hạ tầng truyền dẫn hợp lý thì doanh nghiệp cũng phải tự tìm cách, và giống như các nhà mạng khác là phải đầu tư, xây dựng mạng lưới hạ tầng của mình.

Ông Lãng cho biết, Hanoi Telecom sẽ kiến nghị lên bộ chủ quản và Chính phủ để doanh nghiệp nhỏ có một môi trường cạnh tranh lành mạnh và không bị chèn ép. “Nếu không có chính sách quản lý, điều hành đúng đắn với những doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, thì ngay đến nhà đầu tư hùng mạnh như Hutchison Telecom có lẽ cũng phải rời bỏ thị trường viễn thông Việt. Lúc đó, tôi nghĩ, không biết còn doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư vào thị trường viễn thông của Việt Nam nữa không”, ông Lãng lo cho viễn cảnh sắp tới.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate