Trong quý 1/2007, Thủ tướng có 2 văn bản cho phép Bộ Xây dựng triển khai xây dựng đề án hình thành 3 tập đoàn.
Tuy nhiên, cho đến nay nhiều doanh nghiệp, thậm chí có cả doanh nghiệp được lựa chọn làm nòng cốt, vẫn băn khoăn trăn trở trong việc thực hiện đề án này.
Trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Bộ Xây dựng đang đôn đốc triển khai xây dựng đề án thành lập 3 tập đoàn, gồm: Tập đoàn Công nghiệp xây dựng với Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt; Tập đoàn Chế tạo cơ khí nặng với Tổng công ty Lilama làm nòng cốt; Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị do Tổng công ty HUD làm nòng cốt.
Vốn quá nhỏ hạn chế năng lực cạnh tranh
Tuy nhiên, trên thực tế, vốn điều lệ của các công ty cổ phần trong ngành xây dựng hiện nay phần lớn đều có quy mô nhỏ, tỉ lệ công ty cổ phần có mức vốn điều lệ dưới 10 tỉ đồng chiếm hơn 59%, trên 20 tỉ đồng chỉ chiếm 16,38%.
Với mức vốn như vậy, các công ty cổ phần đang gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trong hành trình đổi mới, các doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện đầu tư và triển khai các phương thức nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản xuất kinh doanh nhưng trong hoạt động vẫn bộc lộ một số hạn chế.
Hầu hết các tổng công ty lại chỉ mạnh ở một vài lĩnh vực chuyên sâu nên không đủ sức thực hiện các công trình lớn, thi công phức tạp. Đây là thách thức không nhỏ đối với tất cả các doanh nghiệp xây dựng nước ta khi phải cạnh tranh với những tập đoàn nước ngoài không những mạnh về tài chính, rộng về thị trường, giàu về kinh nghiệm ở tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn - xây dựng- chế tạo đến lắp đặt...
Thứ nhất là các tổng công ty thường có lực lượng lao động lớn, tài sản lớn, đất đai nhiều. Ví như HUD đang sở hữu rất nhiều dự án liên quan đến đất đai nên việc thành lập tập đoàn khá phức tạp; Tổng công ty Sông Đà hiện đang quản lý trên 50 công ty con, khi trở thành tập đoàn, công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà - có thể chỉ quản lý 10 công ty con, số còn lại là do các công ty con quản lý.
Như vậy, tập đoàn không chỉ có tổ hợp công ty mẹ - công ty con mà còn có cả công ty "cháu" và việc cơ cấu lại các công ty con là yêu cầu tất yếu nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức công ty mẹ - công ty con.
Thứ hai là việc lựa chọn doanh nghiệp đối tác (tự nguyện và giới thiệu) tham gia tập đoàn. Khi vào tập đoàn, không phải là thương hiệu hiện có của mỗi đơn vị bị mất đi. Về lâu dài, các doanh nghiệp trong tập đoàn sẽ cùng nhau xây dựng một thương hiệu chung của mình, đồng thời vẫn duy trì và phát triển thương hiệu hiện có. Do đó, rất nhiều công ty nhỏ rất muốn được tham gia tập đoàn.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Sông Đà nói: "Với tốc độ phát triển như hiện nay, áp lực về vốn là vấn đề vô cùng nóng. Hầu hết các doanh nghiệp của Tổng công ty Sông Đà đều có vốn từ 20 tỉ đồng trở lên, nhiều doanh nghiệp có vốn từ 80 đến hàng trăm tỉ."
"Tuy nhiên, khi triển khai các dự án, Tổng công ty tự thấy mình còn nhỏ, vốn còn yếu (trong khi mong muốn thì nhiều). Tổng công ty đã đề nghị Chính phủ cho vay góp vốn điều lệ để tăng vốn. Tổng công ty cũng xác định hợp tác để thành doanh nghiệp lớn và việc tham gia đầu tư xây dựng nước ngoài là xu thế tất yếu nhưng hợp tác là để tăng sức mạnh chứ không phải để san sẻ "gánh nặng".
Ông Nguyễn Thế Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Lilama cho biết: về cơ bản, đề án thành lập tập đoàn chế tạo cơ khí nặng đang được hoàn thiện, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực sản xuất: tổng thầu EPC, cơ khí chế tạo và kinh doanh dịch vụ.
Trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, Lilama chủ động đàm phán với các doanh nghiệp mạnh ngoài ngành. Đa số các doanh nghiệp đều ủng hộ chủ trương hợp tác, xây dựng tập đoàn mạnh nhưng vẫn bao trùm tâm lý băn khoăn về cơ chế chủ quản. Trong đó, đối tượng dở dang còn nhiều, cách giải quyết nợ khó đòi, tài sản vô hình, thương hiệu... còn nhiều hạn chế.
Lilama có thương hiệu nổi tiếng nhưng giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dựa trên sổ sách chưa nhiều. Bản thân năng lực các công ty con còn yếu, năng lực quản lý của cán bộ còn nhiều bất cập trong thực hiện các dự án.
Lilama đang tập trung xây dựng đề án thành lập tập đoàn mạnh thông qua liên kết với các công ty trong lĩnh vực dầu khí, xi măng, liên kết với các tập đoàn nước ngoài... Các lĩnh vực khác như: tài chính, ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm, chứng khoán... đều nằm trong xu hướng thành lập tập đoàn trong thời gian tới. Do đó, Tổng công ty còn có nhiều vấn đề phải thực hiện trong đó có công tác cổ phần hóa.
Ông Nguyễn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HUD cho rằng: việc chọn nòng cốt cho tập đoàn phải đúng quan điểm mới phát triển được. Tuy nhiên Bộ Xây dựng cần hướng dẫn, xây dựng quy chế mẫu về quản lý tài chính tập đoàn cho cả 2 đối tượng thành viên tự nguyện và thành viên được giới thiệu.
Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty miền Trung Trần Xuân Đính đề nghị Bộ Xây dựng nên có định hướng cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp ngồi lại với nhau, chứ cứ "kêu gọi tự nguyện e rằng khó bước qua khỏi rào cản tâm lý" (vì nhiều doanh nghiệp "vệ tinh" vẫn còn tâm lý sợ bị "hạ thấp" khi tham gia tập đoàn).
Công việc không chỉ của các đơn vị nòng cốt
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thống kê (Bộ Xây dựng) Bùi Đức Hưng nhận định: việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến bản thân các Tổng công ty, dự kiến là nòng cốt xây dựng tập đoàn và các doanh nghiệp khác dự kiến tham gia các tập đoàn khi xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Chính vì thế, khi tập đoàn chính thức đi vào hoạt động thì chiến lược phát triển của các đơn vị thuộc Bộ sẽ có sự thay đổi căn bản so với báo cáo dự kiến chiến lược phát triển giai đoạn 2006-2010 mà các doanh nghiệp đã hoàn thành.
Như vậy, việc xây dựng đề án hình thành các tập đoàn kinh tế trên cơ sở các Tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ Xây dựng không chỉ là việc của các Tổng công ty được lựa chọn làm lực lượng nòng cốt, mà là của tất cả các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng, với tư cách là các công ty nhà nước và phải xuất phát từ chính nhu cầu phát triển nhanh, mạnh, bền vững của đơn vị mình, vì sự phát triển của ngành để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate