June 17, 2009 | 09:47 GMT+7

Không in thêm tiền để thực hiện kích cầu

Lê Châu

Mặc dù giá dầu tăng sẽ kéo theo thu ngân sách tăng đáng kể nhưng khả năng kiềm chế lạm phát khi đó sẽ cực kỳ khó khăn

Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Ảnh: VNN.
Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Ảnh: VNN.
Mặc dù giá dầu tăng sẽ kéo theo thu ngân sách tăng đáng kể nhưng khả năng kiềm chế lạm phát khi đó sẽ cực kỳ khó khăn vì một loạt mặt hàng sẽ tăng giá theo.

Thực tế cho thấy, để kiềm chế lạm phát, một mặt Việt Nam bị chi phối rất lớn bởi giá dầu thô, mặt khác lại phụ thuộc vào sự tồn tại và “chảy” đúng hướng của các dòng tiền kích cầu. Giá dầu thô thì rõ ràng chúng ta không thể kiểm soát được, còn đối với những dòng tiền kích cầu thì thế nào?

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nói:

- Gói kích cầu ở đây là tổng thể các giải pháp mà Chính phủ đặt ra nhằm chống suy giảm kinh tế, gồm 2 nội dung rất lớn. Một là trực tiếp chi bằng tiền. Hai là một loạt cơ chế chính sách được tính ra bằng tiền thì mình ước khoảng 8 tỷ USD. Trong gói kích cầu  thì có mấy nội dung. Nội dung thứ nhất, về hỗ trợ lãi suất.

Nội dung thứ hai liên quan một số vấn đề về vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ và những vấn đề về tài chính, ngân sách, thuế. Vấn đề về vốn ngân sách thì có mấy loại. Một là loại vốn thực hiện chưa hết của năm 2008, giải ngân chưa hết thì chuyển sang năm 2009 giải ngân tiếp.

Hai là vốn đã tạm ứng cho một số dự án, công trình quan trọng cấp bách cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công đã ứng từ năm 2008 trở về trước thì được Chính phủ cho giãn chưa thu hồi vào năm 2009.

Ba là loại mà ứng thêm ngân sách để thực hiện tiếp những công trình dự án phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2009, 2010 ở một số lĩnh vực quan trọng, cấp bách.Vấn đề trái phiếu Chính phủ.

Trong trái phiếu Chính phủ thì có loại mà trong danh mục dự án đã được Quốc hội quyết định thì chính phủ cho đẩy nhanh tiến độ và cho điều hòa vốn giữa các dự án làm nhanh và dự án làm chậm để đạt được hiệu quả tối đa.

Việc xin Quốc hội để phát hành thêm 20.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ, vừa rồi đã trình với Quốc hội, sắp tới đây sẽ chờ Quốc hội quyết định thông qua sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.

Về vấn đề miễn giảm thuế, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 12 tháng 10 năm ngoái, nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách đã cho Chính phủ có thẩm quyền xem xét miễn, giảm, giãn, hoãn một số các sắc thuế và cho một số các lĩnh vực và doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

Liên quan đến nguy cơ tái lạm phát, mục tiêu đặt ra là chủ động ngăn ngừa lạm phát trở lại. Chính phủ đã nhận thức rõ điều đó, vì thế trong chỉ đạo điều hành cũng bàn rất nhiều các phương án để lạm phát không tăng quá cao trong những tháng cuối năm cũng như cho cả năm 2010.

Ông có thể cho biết các phương án mà Chính phủ tính toán để lạm phát không tăng quá cao trong các tháng cuối năm 2009 cũng như trong cả năm 2010?

Giải pháp thứ nhất là cân đối tài chính tiền tệ và cân đối tiền hàng để làm sao đảm bảo được các dư nợ tín dụng, cán cân thanh toán. Giải pháp thứ hai là đảm bảo thúc đẩy sản xuất, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo cân đối về xuất nhập khẩu.

Giải pháp thứ ba là về tài chính, tất cả những giải pháp về tài chính thì được thực hiện trên một nguyên tắc là không làm tăng cung ứng tiền ra lưu thông. Khi huy động vốn, tăng bội chi hoặc là huy động thêm trái phiếu Chính phủ thì đều không dùng biện pháp in tiền để tăng chi cho ngân sách.

Đây là một yếu tố rất quan trọng để chống lạm phát. Cùng đó, khi điều hành huy động vốn ở trên thị trường vốn, phải phối kết hợp giữa lãi suất của ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ để huy động thu hút tiền từ trong lưu thông về, đảm bảo được cân đối cung cầu về tiền và hàng.

Giải pháp thứ tư là về vấn đề điều hành giá chúng ta thống nhất đi theo cơ chế kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa. Hiện còn có một số mặt hàng chưa thực sự đi theo kinh tế thị trường, như điện, xăng dầu đã có điều hành quyết liệt, từng thời điểm một có những giải pháp thích hợp để không tác động sốc đối với thị trường, không làm cho giá cả thị trường tăng quá cao.

Cùng với việc đưa hàng trăm nghìn tỷ đồng kích cầu, cộng với áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ thì Chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu ra nếu không in thêm tiền?

Chính sách tiền tệ đã chuyển từ thắt chặt để chúng ta kiềm chế lạm phát của năm 2008 sang chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng chủ động nới lỏng theo hướng thận trọng.

Đến nay, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 15% và tăng trưởng tín dụng 14%. Năm 2009, số lượng tiền phát hành mới để góp phần tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ phê duyệt cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ mới sử dụng 43%.

Tổng trị giá các gói kích thích kinh tế khoảng 145 nghìn tỷ đồng (tương đương 9% GDP), trong đó, “gói” chính sách giảm thuế 28 nghìn tỷ đồng, “gói” hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17 nghìn tỷ đồng, “gói” tăng đầu tư công hơn 90 nghìn tỷ đồng và “gói” bổ sung an sinh xã hội gần 10 nghìn tỷ đồng.

Các gói giải pháp này được thực hiện từ các nguồn đã bố trí trong ngân sách nhà nước, nguồn ứng trước, nguồn dự trữ ngoại hối và nguồn phát hành vay dân. Tất cả các nguồn tiền đó đã có trong lưu thông, không phải phát hành thêm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate