August 21, 2009 | 09:25 GMT+7

Không khởi động sớm vụ sản xuất đường

Chu Khôi

Giá đường đang tăng vùn vụt, do thông tin sai lệch hay do thực tế đang thiếu hụt đường?

Chỉ trong vòng hơn 1,5 tháng qua, giá đường thế giới đã tăng gấp rưỡi, và đạt ngưỡng giá cao nhất trong vòng 28 năm qua.
Chỉ trong vòng hơn 1,5 tháng qua, giá đường thế giới đã tăng gấp rưỡi, và đạt ngưỡng giá cao nhất trong vòng 28 năm qua.
Ngành sản xuất mía đường Việt Nam đang trong giai đoạn nhạy cảm khi giá thế giới liên tục tăng cao, kéo giá đường trong nước lên mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, tin đồn sai lệch về việc thiếu hụt đường đang tạo cảm giác khan hiếm ảo.

Khẳng định sẽ không thiếu đường, TS. Hà Hữu Phái , Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường cũng cho biết,  mới đây Hiệp hội đã họp với các công ty sản xuất đường, chỉ đạo quyết liệt việc không khởi động ép mía sớm.

Giá bán đường đang “nhảy vọt”, xin ông cho biết nguyên nhân vì đâu?

Hiện tại, giá bán đường đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Tốc độ tăng giá cũng đạt mức kỷ lục: giá bán buôn đường kính trắng thời điểm đầu năm 2009 là 8.500 đồng/kg; ngày 1/7/09 là 11.000-11.300đồng/kg và hiện tại là 13.500-14.200đồng/kg.

Tại các chợ trên địa bàn Tp.HCM, giá đường đã tăng thêm gần 30% so với tháng trước. Diễn biến giá đường khác biệt hẳn với giá bán của hầu hết các mặt hàng khác. Vào giữa năm 2008, trong khi hầu hết các sản phẩm đều tăng giá mạnh theo giá dầu (kỷ lục 147 USD), thì giá đường lại xuống tới mức thấp nhất, chỉ 7.000-7.500đồng/kg. Năm 2009, trong khi hầu hết các mặt hàng khác đều “hạ nhiệt” (như giá dầu chưa bằng một nửa so với thời điểm này năm trước), thì giá đường lại tăng gần gấp đôi.

Sở dĩ vậy là do giá đường trong nước đang chịu tác động của giá thế giới. Chỉ trong vòng hơn 1,5 tháng qua, giá đường thế giới đã tăng gấp rưỡi, và đạt ngưỡng giá cao nhất trong vòng 28 năm qua.

Niên vụ 2007- 2008, sản lượng đường toàn thế giới đạt 168.611.000 tấn. Sản lượng đường niên vụ 2008 - 2009 chỉ còn 161.527.000 tấn, trong khi tổng nhu cầu tiêu thụ gần 166 triệu tấn, nên thiếu hụt gần 4,5 triệu tấn, đây chính là nguyên nhân khiến giá đường thế giới “leo thang”.

Bên cạnh đó, những thông tin về việc sản lượng đường nước ta giảm thấp đã làm gia tăng tâm lý lo ngại thiếu đường. Giữa lúc giá đường đang tăng vùn vụt, nhiều người buôn lại đổ xô đi mua tích trữ, khiến giá đường càng bị đẩy lên cao và có dấu hiệu khan hiếm.

Vậy thực sự chúng ta có thiếu hụt đường không?

Trước đây, mỗi niên vụ cả nước sản xuất được 1.150 nghìn tấn đường, thêm 100 nghìn tấn đường thủ công, tổng sản lượng là 1.250 nghìn tấn.

Niên vụ 2008 -2009, chúng ta chỉ sản xuất được 915 nghìn tấn, cộng với đường thủ công, tổng sản lượng đạt 1.015 nghìn tấn, như vậy giảm 200 nghìn tấn so với bình quân mọi năm.

Theo cam kết WTO, hàng năm chúng ta phải nhập 61 nghìn tấn đường chính ngạch. Năm nay, sau khi cân đối cung cầu (có tính đến 100 nghìn tấn đường tồn kho từ niên vụ trước), Nhà nước cho tăng lượng đường nhập khẩu thêm 40 nghìn tấn.

Đến thời điểm này, tổng lượng đường tồn kho của các nhà máy còn khoảng 100 nghìn tấn. Trong số 101 nghìn tấn đường nhập khẩu hiện vẫn còn tồn 55 nghìn tấn, như vậy tổng cộng hiện còn tồn kho 155 nghìn tấn đường. Sản lượng đường tiêu dùng từ 15/6-15/7/09 là 44.300 tấn; từ 15/7-15/8/09 là 62.200 tấn.

Theo quy luật hàng năm, những tháng 5-8, nhu cầu tiêu thụ đường tăng cao. Sang đến tháng 9, nhu cầu đường sẽ giảm. Nếu nhu cầu thời gian tới giữ ở mức như những tháng vừa qua, thì lượng đường hiện có đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng, không sợ thiếu. Sang đến tháng 10, các nhà máy đường đã vào vụ sản xuất mới, càng không lo thiếu đường.

Có thông tin rằng nhiều nhà máy sẽ khởi động vụ sản xuất đường sớm hơn thường lệ, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Việc giá đường tăng mạnh từ 2 tháng trở lại đây, đã khiến một số nhà máy có ý định sản xuất sớm để tranh thủ bán sản phẩm lúc giá cao. Nhưng  theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây Hiệp hội Mía đường đã họp các công ty sản xuất đường, chỉ đạo quyết liệt việc không khởi động ép mía sớm. Chỉ duy nhất một nhà máy đường ở Hậu Giang được phép ép mía trước thời hạn niên vụ vì vùng nguyên liệu ở đó cần phải thu hoạch sớm để chạy lũ.

Nếu khởi động sớm việc sản xuất mía đường sẽ rất nguy hại. Khai thác khi cây mía còn non, chất lượng sẽ kém, chữ đường thấp, như vậy sẽ tốn nguyên liệu. Mặt khác, việc khai thác mía khi cây chưa phát triển hết các lóng sẽ khiến sản lượng thu hoạch mía giảm, càng gia tăng nguy cơ thiếu hụt đường vụ tới.

Niên vụ sản xuất tới, liệu đã giải quyết được tình trạng thiếu nguyên liệu và tranh mua mía giữa các nhà máy đường chưa, thưa ông?

Dự kiến sản lượng đường niên vụ 2009 -2010 tăng khoảng 10% so với niên vụ 2008 - 2009, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với công suất của các nhà máy chế biến.

Diện tích trồng mía đã tăng nhanh trở lại.Vụ trước, tổng diện tích vùng mía nguyên liệu của các nhà máy là 209.000 ha, hiện nay đã tăng lên thành 221.816 ha. Tình trạng tranh chấp vùng nguyên liệu và tranh mua mía là vấn đề của nhiều năm nay, không dễ giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều.

Việc phân chia lại vùng nguyên liệu hợp lý, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường. Các nhà máy muốn nâng sức cạnh tranh cho mình, cần phải giữ được nguồn nguyên liệu ổn định.

Muốn vậy, họ phải đầu tư cho nông dân trồng mía, có như vậy mới gắn kết được trách nhiệm của nông dân đối với nhà máy.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate