January 30, 2024 | 08:41 GMT+7

Không “né” trách nhiệm trong gỡ khó cho các dự án giao thông trọng điểm

Phan Nam -

Thực tế cho thấy không ít dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ do công tác quản lý, quản trị dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 29/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã đồng chủ trì Hội nghị triển khai triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc tháo gỡ những vướng mắc trong công tác triển khai các dự án giao thông trọng điểm…  

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị

Trong thời gian qua, đầu tư, phát triển các dự án công, đặc biệt là các dự án giao thông, được đánh giá là điểm sáng trong hoạt động đầu tư xây dựng, cũng như phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương và nhà thầu phản ánh, công tác này đã và đang gặp rất nhiều vướng mắc, khiến các dự án chậm tiến độ. Thứ trưởng nhận định thế nào về vấn đề trên?

Việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia là một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt suốt thời gian qua; trong đó các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm ngành giao thông vận tải chiếm một vị trí quan trọng. Điển hình như việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường cao tốc trục nối Đông-Tây, đường Vành đài 4 Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia; các dự án đường sắt đô thị, cảng biển, hệ thống các cụm cảng hàng không... được triển khai đồng bộ, giúp kết nối phát triển kinh tế các vùng, liên vùng và vùng kinh tế trọng điểm quốc gia…

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ngoài công trường, nhưng thực tế trong công tác quản lý, quản trị dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá vật liệu xây dựng tại mỏ giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ.

Các ý kiến tại hội nghị cũng đã phản ánh cụ thể là: định mức xây dựng và giá xây dựng công trình còn thiếu hoặc chưa tính đúng, tính đủ, hoặc không còn phù hợp với thực tế. Việc xây dựng, công bố giá vật liệu, nhân công, máy thi công, chỉ số giá xây dựng của một số địa phương còn chậm và không sát thực tế. Việc xác định giá vật liệu tại mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản cũng gặp nhiều vướng mắc. 

Bên cạnh đó, các thủ tục từ lúc lập đến khi cấp phép khai thác kéo dài (khoảng 8 tháng), nguyên nhân do chưa có hướng dẫn rõ ràng từ đầu, các địa phương hiểu, áp dụng khác nhau theo hướng an toàn, thận trọng, dẫn đến thủ tục kéo dài.

Hiện nay, nhiều đầu mục chi phí nhà thầu trực tiếp thực hiện để khai thác mỏ vật liệu chưa được hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở giám sát, nghiệm thu. 

Việc này, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp có trách nhiệm tập trung chỉ đạo về quy trình tổ chức thực hiện, đi đôi với đó là công tác giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về xây dựng và các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Theo đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải… Để thực hiện trách nhiệm được giao, Bộ Xây dựng đã triển khai những công việc gì?

Công điện số 02 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tinh thần hết sức khẩn trương trong việc giải quyết khó khăn về định mức, đơn giá xây dựng cũng như khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng hiện nay.

Bộ Xây dựng đã nhanh chóng nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, đã chủ động nhận diện rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp tháo gỡ, thống nhất kế hoạch tổ chức thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền một cách khoa học, sát thực tiễn; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc không rõ về thẩm quyền.

Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch sử dụng xây dựng mô hình thông tin (BIM) để số hóa toàn bộ công trình, từ đó tạo thành bigdata để sau này có thiết kế mẫu trong mọi công đoạn từ thiết kế đến nghiệm thu, quyết toán đầy đủ. Trên cơ sở này, giúp cơ quan quản lý nhà nước (trong đó, có Bộ Xây dựng) từng bước hình thành đơn giá phù hợp, một cách minh bạch. Hiện, các công trình loại A hạng đặc biệt phải áp dụng BIM từ khâu chuẩn bị vật liệu đến thi công, quản lý máy thi công, công nghệ thi công, kể cả nghiệm thu, thanh quyết toán cũng “số hoá”.

Tôi đã đề nghị thành lập một tổ công tác giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải để nhanh chóng có hướng giải quyết khó khăn hiện nay. Về định mức, hiện còn một số chưa phù hợp, một số định mức còn thiếu và chưa cập nhật thì tổ công tác sẽ có trách nhiệm phân loại cái nào thuộc Bộ Xây dựng, cái nào thuộc Bộ Giao thông Vận tải để bổ sung, điều chỉnh và ban hành mới. Tiêu chí là bảo đảm không trùng, không để một định mức mà 2 đơn vị cùng ban hành.

Theo đó, ngay trong quý 1/2024, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến ban hành mới và điều chỉnh, bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền. Tương tự, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 định mức theo thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục rà soát, banh hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp do công nghệ, điều kiện thi công thay đổi hoặc do vật liệu xây dựng mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ 
Toàn cảnh Hội nghị triển khai triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ 

Trên tinh thần không để kéo dài sang đến quý 2, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải thống nhất rà soát thủ tục pháp lý ngay trong quý 1 này.

Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý 1 và trong quý tiếp theo, cả 2 bộ sẽ tiếp tục phối hợp xác định những định mức cần phải ban hành khác, thuộc thẩm quyền của đơn vị nào, hay thuộc các địa phương để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.

Về phía các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và địa phương nơi có dự án cũng rà soát định mức hiện tại và căn cứ vào quy định để đề xuất với Tổ công tác về định mức lạc hậu hay còn thiếu, lĩnh vực nào cần phải bổ sung nhưng trên tinh thần trung thực, khách quan. Chúng ta cần lấy đại lượng lớn, đại lượng trung bình là nguyên tắc ban hành, chứ không phải “chạy” theo thực tiễn, để cái gì cũng đòi ban hành thì sẽ rất khó.

Vậy, còn một số khái niệm pháp lý cũng như quy trình thực hiện chưa rõ ràng, khiến các chủ thể tham gia dự án “lúng túng” và bị “vướng” khi triển khai thì cần tháo gỡ ra sao, thưa Thứ trưởng?

Đối với vấn đề liên quan đến thể chế trong việc xác định định mức, tôi đề nghị giao Bộ Xây dựng rà soát hai việc.

Một là, làm rõ thế nào là “chuyên ngành”, thế nào là “đặc thù”, để có hướng dẫn thực thi. Nếu như hướng dẫn này vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Nếu không vượt thẩm quyền thì hướng dẫn thực hiện trên cơ sở ban hành Thông tư. Đến lúc này, việc giải thích về chuyên ngành, đặc thù sẽ rất dễ. Chỉ khi có sự “giao thoa” về khái niệm thì Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải giải quyết.

Hai là, cần có hướng dẫn biện pháp xác định định mức trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy là thế nào để bảo đảm định mức đúng và phù hợp. Liên quan đến giá đầu vào của tất cả công trình, về nguyên lý, khi quản lý đầu tư công là quản lý về chi phí. Còn quản lý về đầu tư PPP thì quản lý về lợi ích lợi nhuận. Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, chúng ta quản lý về đầu tư công nên phải kiểm soát chặt về chi phí, từ chi phí nhân công đến chi phí vật liệu xây dựng.

Riêng về giá vật liệu xây dựng, tôi đề nghị địa phương theo quy định hiện hành phải cập nhật, công bố kịp thời, đảm bảo sát với giá thị trường, công khai, minh bạch. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh Thông tư về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; trong đó, điều chỉnh quy định xác định nguồn giá vật liệu công trình phù hợp. Trên cơ sở này, việc công bố giá vật liệu xây dựng ở địa phương là trách nhiệm của địa phương. Sở Xây dựng trình UBND các tỉnh hoặc được UBND tỉnh ủy quyền để làm ban hành đúng và phù hợp.

Về việc xác định giá vật liệu xây dựng khai thác tại mỏ theo cơ chế đặc thù,  Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất: đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ lưỡng quy trình giao mỏ cho nhà thầu theo đúng yêu cầu của công điện số 02/CĐ-TTg.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate