Thảo luận về một số vấn đề lớn cần chỉnh lý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại phiên họp sáng 13/1, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng quỹ bảo hiểm y tế phải được quản lý tập trung, không thể chia năm xẻ bảy.
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 được Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai báo cáo là quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ bảo hiểm y tế.
Bà Mai cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quy định: dành 90% quỹ bảo hiểm y tế cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 5% để lập quỹ dự phòng quốc gia, 3% dành cho bộ máy quản lý bảo hiểm y tế các cấp và 2% dành cho phát triển mạng lưới bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Trước sự khác nhau của các quan điểm về xử lý kết dư quỹ bảo hiểm y tế, bà Mai cho biết ý kiến của Thường trực Ủy ban là về lâu dài quỹ cần được quản lý tập trung ở cấp quốc gia để thực hiện mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và dịch vụ khám chữa bệnh giữa các tỉnh nên cho phép các tỉnh thành có kết dư quỹ được sử dụng một phần để phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đối với phần quỹ kết dư sẽ dành 50% chuyển cho tỉnh/thành phố sử dụng để hỗ trợ nâng cao quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế.
Nhấn mạnh đây là điểm rất mới so với luật hiện hành, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng không nên khuyến khích kết dư quỹ bảo hiểm y tế và nên xem lại việc dùng một phần quỹ này cho việc thi đua khen thưởng hay mua trang thiết bị, vì việc này đã có ngân sách lo. Kết dư quỹ bảo hiểm y tế chỉ để phục vụ người dân, ông Lý tỏ rõ quan điểm.
Nguyên tắc quỹ bảo hiểm y tế phải tập trung chứ không chia, nhưng nhiều đại biểu có thắc mắc về kết dư, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích. Bà Tiến cũng nhấn mạnh quan điểm cá nhân là không đồng ý dùng tiền của quỹ này để mua sắm trang thiết bị và khen thưởng, bồi dưỡng cho cán bộ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng về lâu dài quỹ cần được quản lý tập trung ở cấp quốc gia. Tuy nhiên trong giai đoạn giai đoạn hiện nay thì nên chăng để lại 20 – 30% phần quỹ kết dư cho địa phương để đảm bảo công bằng giữa các địa phương.
Cả Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đều cho rằng đề nghị quy định dành ít nhất 50% phần kết dư quỹ bảo hiểm y tế cho địa phương là mang tính cục bộ, không thể chiều theo được vì không hợp lý.
“Kết dư cũng là tiền ngân sách, tư tưởng cứ dư ra là chia bằng hết là không thể chấp nhận được”, ông Hiển gay gắt.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cũng nhận xét một số đại biểu phát biểu mang tính cục bộ địa phương khi đề nghị “chia” phần kết dư quỹ. “Năm nay ông thừa sang năm, sang năm nữa ông thiếu thì sao, nghĩ thế là hết sức địa phương chủ nghĩa, vì quỹ có tính chất liên tục, thống kê để biết chứ không phải để chia hết quỹ”, ông Hiện phát biểu.
Bên cạnh nội dung nói trên, quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế cũng còn có quan điểm khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng nên quy định bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc, cũng còn ý kiến cho rằng không nên bắt buộc.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tha thiết đề nghị chỉ trình Quốc hội một phương án hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc thì mới có thể tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh bảo hiểm y tế là quỹ toàn dân, chỉ có một tài khoản Trung ương, còn các địa phương là tiểu khoản, không có chuyện kết dư. Và là quỹ toàn dân nên nguyên tắc là ai cũng phải đóng, người không đóng được thì nhà nước đóng giúp.
Ông cũng lưu ý cần hạn chế tối đa việc ngăn cấm dân chỉ được đến bệnh viện này mà không được đến bệnh viện kia vì lý do “trái tuyến”, bởi “đó là cách quản lý làm khổ dân”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate