Tại Hội nghị lấy ý kiến phương án phân vùng và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp năm 2011 vừa được tổ chức sáng nay (21/9) tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng lương tối thiểu tăng thế nào để có tác dụng thiết thực với người lao động mới là quan trọng.
Nên thu hẹp khoảng cách vùng
Theo phương án mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến, mức lương tối thiểu vùng áp dụng với doanh nghiệp trong nước sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, doanh nghiệp trong nước tăng bình quân khoảng 21,5% và doanh nghiệp FDI tăng bình quân khoảng 10,8%.
Ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Lao động tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mức tăng dự kiến trên được tính toán dựa trên nhiều yếu tố làm cơ sở xác định tiền lương tối thiểu như GDP, CPI, mức tăng tiền công trên thị trường.
Ngoài ra, dự kiến phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp năm 2011 dựa trên những nguyên tắc như bảo đảm mức tiền lương thực tế, góp phần ổn định đời sống cho người lao động làm công ăn lương, phù với với mức tăng giá tiền công ở từng vùng; cân đối khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Phương án trên được đánh giá là phù hợp khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2010 là 6 – 6,1%, dự báo năm 2010 là 6,5 – 7%; CPI 8 tháng đầu năm là 5,08% và dự kiến năm 2010 là – 8%; Mức tăng tiền công trên thị trường 6 tháng đầu năm 2010 khoảng 13,5% và dự kiến cả năm là 14 – 15%.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, với phương án này, doanh nghiệp cũng sẽ không bị ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào, phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp và phù hợp với lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp vào năm 2012, 2013.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho rằng, theo phương pháp dự kiến thì khoảng cách lương tối thiểu giữa vùng 1 và vùng 4 của các doanh gnhiệp trong nước là 53%, doanh nghiệp FDI là 36%, mức chệnh này quá lớn.
Vùng 1 điều chỉnh tăng cao nhất là 1,5 triệu đồng là khá ổn, tuy nhiên vùng 4 chỉ có 1,1 triệu đồng là thấp. Theo ông Hưng, thực tế giá cả giữa các vùng không quá chênh lệch như thế. Vì thế, theo ông Hưng nên điều chỉnh tăng vùng 4 lên, sao cho khoảng cách chênh lệch chỉ khoảng 30% là vừa.
Cùng quan điểm, ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng ban Các khu Công nghiệp, chế xuất Hà Nội cho rằng, hiện Hà Nội có khoảng 300 doanh nghiệp FDI với hơn 100 nghìn lao động, mức lương mà lao động được hưởng trên địa bàn có sự chênh lệch quá lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động.
"Sợ" đóng bảo hiểm xã hội
Theo tính toán từ số liệu điều tra 1.700 doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, trong 6 tháng đầu năm 2010 có khoảng trên 90% số doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn so với mức lương tối thiểu dự kiến năm 2011 nói trên.
Với mức lương tối thiểu dự kiến này, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng không lớn, chỉ khoảng 0,4- 0,5%. Riêng các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giầy tăng thêm khoảng 1,2%.
Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về điều chỉnh lương tối thiểu vùng nói trên, đại diện nhiều cơ quan bộ, ngành cũng cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu không có ý nghĩa gì lắm, cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, bởi thực chất hiện nay các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tôi thiểu.
Theo ý kiến của đại diện Hiệp hội Dệt may, áp dụng mức lương tối thiểu vùng không ảnh hưởng lắm đến doanh nghiệp và cũng không có tác dụng nhiều cho người lao động.
Vị này lấy ví dụ, tại Hải Phòng, nếu áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2011 theo dự kiến thì lao động trong nước sẽ được hưởng 1,150 triệu đồng, doanh nghiệp FDI là 1,350 triệu của vùng 2. Điều này không có ý nghĩa là mấy khi mà hiện nay các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn này đã trả 2,8 triệu đồng /tháng nhưng vẫn không giữ nổi lao động.
Theo vị đại diện Hiệp hội Dệt may thì cái người lao động được hưởng thiết thực và lâu dài chính là bảo hiểm xã hội thì rất thấp và doanh nghiệp tìm mọi cách để “né”.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, hiện nay tại Ninh Bình không có doanh nghiệp nào mức lương bình quân dưới 1,3 triệu đồng, kể cả những doanh nghiệp khó khăn.
“Thực tế cho thấy, doanh nghiệp không ngại trả lương cao mà chỉ "sợ" đóng bảo hiểm xã hội. Không doanh nghiệp nào muốn tăng lương tối thiểu mặc dù mức thu nhập họ trả cho công nhân cao hơn mức tối thiểu rất nhiều”, vị này phát biểu.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, bà Tống Thị Minh cho rằng, thực ra đóng bảo hiểm xã hội hay thuế thu nhập đúng ra phải được dựa trên thu nhập của người lao động. Thế nhưng, hiện không thể kiểm soát được thu nhập thực tế của người lao động, làm căn cứ để doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, nên bảo hiểm xã hội chỉ có thể dựa vào lương tối thiểu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate