Một chuyên gia nhận định, nếu thực hiện nghiêm Nghị định 141/CP thì qua 2010, chỉ còn 20 ngân hàng thương mại cổ phần được phép tồn tại với mức vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng.
Đó là cơ hội tốt để gạt bỏ những cơ thể ốm yếu, nhưng liệu Nhà nước có “làm nghiêm”?
Tại hội thảo “Tái cấu trúc khu vực tài chính, ngân hàng sau khủng hoảng - Xu thế thế giới và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” do Viện Kinh tế và Chính trị thế giới phối hợp với Thời báo Ngân hàng tổ chức tuần trước, các chuyên gia đã gióng lên những cảnh báo về nguy cơ gây mất an toàn hệ thống của những ngân hàng nhỏ, tiềm lực yếu nhưng không chịu sáp nhập hoặc mua bán lại (M&A).
Chỉ thích “riêng một góc trời”
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết, tính đến tháng 3/2010, trong số 39 ngân hàng thương mại cổ phần, nếu xét theo quy mô vốn điều lệ thì có 21/39 ngân hàng thương mại cổ phần dưới 2.000 tỷ đồng; 30/39 dưới 3.000 tỷ đồng và chỉ 9/39 có vốn trên 3.000 tỷ đồng.
Đứng đầu “câu lạc bộ trên 3.000 tỷ đồng” là Vietcombank với 12.100 tỷ đồng (650 triệu USD) nhưng có thể bị VietinBank “qua mặt” vì vốn điều lệ của ngân hàng này đang là 11.252 tỷ đồng và dự kiến hết 2010, VietinBank sẽ phát hành thêm 3 đợt, nâng vốn điều lệ lên mức 18.731 tỷ đến 19.833 tỷ đồng. Tiếp theo là Eximbank (8.800 tỷ đồng), ACB (7.814 tỷ đồng), Sacombank (6.700 tỷ đồng), LienVietBank (3.300 tỷ đồng)...
Tuy nhiên, nếu theo quy định tại Nghị định 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 thì cả Vietcombank lẫn VietinBank không được xếp vào “nhóm cổ phần” vì nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và số ngân hàng có mức vốn trên 3.000 tỷ đồng rất ít. “Rõ ràng, quy mô các ngân hàng thương mại cổ phần quá nhỏ bé trong khi số lượng lại tương đối nhiều so với quy mô nền kinh tế chỉ khoảng 100 tỷ USD của năm 2009”, ông Ánh nhận xét.
Trở lại với Nghị định 141/2006/NĐ-CP, ngay từ 2006, Nhà nước đã sớm nhìn thấy tình trạng “nhiều nhưng yếu” trong ngành ngân hàng nên đã đưa ra rào cản vốn điều lệ nhằm mục tiêu nâng cao tiềm lực tài chính cho số ngân hàng quy mô nhỏ.
Theo đó, hết năm 2008, các ngân hàng thương mại cổ phần phải đạt mức vốn điều lệ tương đương mức vốn pháp định được quy định tại nghị định này là 1.000 tỷ đồng và hết 2010 là 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết năm 2008, mới chỉ có 28 đơn vị vượt “ba rie” và có tới gần 10 đơn vị mới đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào cuối 2009, muộn hơn một năm so với quy định tại Nghị định 141.
Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Đáng lẽ, về nguyên tắc, nếu không đảm bảo mức vốn này thì phải giải thể hoặc thực hiện các thương vụ M&A nhưng xem ra, điều này là chưa thể và cội nguồn của vấn đề lại xuất phát từ cả hai phía: ngân hàng và cơ quan quản lý.
Trước hết, quan điểm “riêng một góc trời” vẫn còn ngự trị rất lớn trong cách hành xử của nhiều ngân hàng. Điều này được nhận thấy rất rõ, hiện có gần 40 ngân hàng thương mại cổ phần nhưng yếu tố “ngoại” mới chỉ có ở một số ngân hàng như Techcombank, ABBank, SeABank..., trong khi chưa hề có một vụ M&A nào trong ngành ngân hàng trong nhiều năm gần đây.
Thứ hai là vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý. Mặc dù gần 10 ngân hàng bị chậm trễ tăng vốn điều lệ theo lộ trình gần một năm như nói trên nhưng cơ quan quản lý vẫn nương tay và liệu điều này có tiếp tục đối với mức vốn 3.000 tỷ đồng hay không thì vẫn là dấu hỏi.
Đem vấn đề này trao đổi với Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn: “Nếu không tăng được vốn theo quy định thì phải xử lý thôi, vì đã là pháp luật thì phải chấp hành. Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp xử lý theo pháp luật hiện hành và không nuông chiều những trường hợp này. Không phải khi giá cổ phiếu gấp 10 lần thì hăng hái nhảy vào lập ngân hàng, còn khi thị trường chững lại thì lại kêu khó”.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo Nghị định 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 về “tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại” thì tỷ lệ góp vốn của thể nhân và pháp nhân lần lượt là 10% và 20% vốn điều lệ. Từ 2010, vốn điều lệ tối thiểu mỗi ngân hàng được nâng lên 3.000 tỷ đồng và có ý kiến rằng, nếu chất lượng hoạt động của một ngân hàng nào kém cỏi thì mức độ ảnh hưởng đến hệ thống sẽ rất khó lường.
Đã có một tình huống được giả định rằng, một “đại gia” nào đó gửi vốn cho các thể nhân đứng tên ở vài ba ngân hàng. Sau đó, “đại gia” này dùng các cổ đông “hờ” gây áp lực cho hội đồng quản trị và ban điều hành phải giải ngân cho các dự án của mình. Trong điều kiện thị trường ổn định thì có thể “chưa làm sao” nhưng chẳng may “đại gia” mất thanh khoản thì thử hỏi hậu họa sẽ như thế nào?
Cũng theo Thống đốc thì mức vốn góp theo Nghị định 59 sẽ giảm còn một nửa khi Luật Ngân hàng nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng được thực thi. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt buộc cổ đông ngân hàng phải chứng minh nguồn gốc vốn góp, thay vì chỉ chung chung “không vi phạm pháp luật” như lâu nay. Những cổ đông có tỷ lệ vốn góp nhiều hơn mức luật cho phép thì phải rút bớt hoặc sang nhượng lại.
Như vậy, mức vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, sự minh bạch và giảm tỷ lệ đối với nguồn vốn góp được coi là cơ hội tốt để nhà nước sàng lọc, loại bỏ những cơ thể ốm yếu trong hệ thống ngân hàng.
Nhưng giả sử, hết năm 2010, có ngân hàng không đủ khả năng tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng thì cơ quan quản lý có thêm một lần “nới tay” như năm ngoái?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate