Bên cạnh các vấn đề "giữ như dự thảo", một số ý kiến đại biểu đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu khi sửa Luật Chứng khoán.
Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Uỷ ban Chứng khoán nhà nước chưa cần "ở riêng"
Đây là dự thảo luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, sau đó đã được lấy thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại thành phố Hà Nội và Tp.HCM và gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nhiều vấn đề lớn.
Về địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng cơ quan này cần độc lập và trực thuộc Chính phủ, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giữ nguyên Uỷ ban này trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp.
Về mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, tiếp thu ý kiến đại biểu dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo phương án chỉ có 1 sở duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; sửa đổi tên gọi Sở Giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Tức là, không quy định cụ thể mà giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Để bảo đảm vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước, quy định về Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cũng đã được chỉnh lý.
Theo đó: " Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết".
Lần sửa đổi này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng.
Dự thảo cũng sẽ không quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp
Đáng chú ý, có một số vấn đề sẽ được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Như, việc cho phép chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng sẽ xem xét luật hóa quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với các tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tại nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ vào Luật Doanh nghiệp".
Theo đó, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được chỉnh lý: "Chào bán chứng khoán riêng lẻ (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan".
Lý do của chỉnh lý này được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết là để bảo đảm tính thống nhất và phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của 2 luật đối với 2 loại hình là công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng. Theo đó, Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng.
Việc này cũng được cho là sẽ bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và công ty không phải công ty đại chúng
Lý do tiếp theo được nêu là giảm thiểu những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định của pháp luật do nếu quy định tại Luật Chứng khoán thì cùng một đối tượng là doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, khi chào bán cổ phiếu riêng lẻ thì thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, còn chào bán trái phiếu riêng lẻ thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc quy định tại hai luật cũng sẽ không bị chậm, không tạo khoảng trống pháp lý và không gây ảnh hưởng đến việc áp dụng quy định pháp luật của các doanh nghiệp.
Vì, hiện tại các tổ chức và các doanh nghiệp vẫn thực hiện được việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo các quy định hiện hành.
Và theo dự kiến Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán (sửa đổi).