Thống kê mới nhất từ Chứng khoán MBS cho thấy, từ ngày 1 đến ngày 20/8, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, đa số là từ các Ngân hàng chiếm hơn 90%.
Các đợt phát hành đáng chú ý có Agribank đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng, 3000 kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,7%, OCB 5000 tỷ đồng, kỳ hạn 24-36 tháng, lãi suất 2500 5,6%, MBBank 4000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,5%.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 220,8 nghìn tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 8 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Dự báo hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn khi bước sang quý 4 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 159,2 nghìn tỷ, tăng 163% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,3 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (23,8 nghìn tỷ đồng), MBBank (23,3 nghìn tỷ đồng), Techcombank (17 nghìn tỷ đồng).
Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới giữa tháng 7/2024, tín dụng tăng 5,3%, cao hơn so với mức 4,5% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong nhưng tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp Bất động sản đạt 38,2 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm 2023 là 60 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản vẫn ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,5 năm.
Trong tháng 8, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, giảm 93% so với tháng trước, trong đó Ngân hàng chiếm 44%, nhóm bất động sản chiếm 9%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 110,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 34% so với cùng kỳ.
Từ đầu tháng tới ngày 20/8, chưa ghi nhận thêm doanh nghiệp mới nào công bố chậm các nghĩa vụ thanh toán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 209,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp nhẹ nhàng hơn trong những tháng cuối năm. MBS ước tính khoảng 49,4 nghìn và 34,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ lần lượt đáo hạn trong quý 3 và quý 4, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm nay là 69,1 nghìn tỷ đồng vào quý 2.
Đối với trái phiếu Chính phủ, trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 26.313 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong kỳ với lợi suất trúng thầu giảm nhẹ ở những kỳ hạn dài.
Từ đầu tháng đến ngày 20/8, trong số 29.750 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 26.313 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ trúng thầu 88%, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay cho thấy nhu cầu vay vốn trong thị trường đang hồi phục mạnh mẽ.
Ngày 24/7, Kho bạc nhà nước thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong quý 3 với tổng mức phát hành dự kiến là 150 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm có lượng giá trị phát hành lớn nhất lần lượt là 55 nghìn và 65 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm tới nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được tổng cộng 219.327 tỷ đồng trái phiếu chính phủ hoàn thành được 55% kế hoạch năm và quý 3 hoành thành 42%. Riêng tại kỳ hạn 10 năm, Kho bạc Nhà nước đã chính thức hoàn thành kế hoạch cả năm khi đạt 119% kế hoạch phát hành tại giữa tháng 8.
Lợi suất trái phiếu trúng thầu giảm nhẹ trong kỳ ở những kỳ hạn dài. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,7%/năm và 2,9%/năm. Ở chiều ngược lại, lợi suất kỳ hạn 5 năm tăng nhẹ 5 điểm cơ bản lên mức 1,95%/năm.