December 18, 2015 | 07:01 GMT+7

“Không thể để kinh tế tư nhân tiếp tục đi “cầu khỉ”

Nguyên Vũ

Đề án tái cơ cấu kinh tế 2016 – 2020 dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2016

Theo ông Nguyễn Đình Cung, chính vì thiếu niềm tin, vì cảm nhận không được an toàn, nên doanh nghiệp đầu tư nhỏ và ngắn hạn là chủ yếu - Ảnh: Bloomberg.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, chính vì thiếu niềm tin, vì cảm nhận không được an toàn, nên doanh nghiệp đầu tư nhỏ và ngắn hạn là chủ yếu - Ảnh: Bloomberg.
“Doanh nghiệp Việt Nam như đang đi trên cái cầu khỉ, trên lưng bị đè nặng bởi khối đá là chi phí, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông, nên không thể nhìn xa được”.

Hình ảnh ví von này đã hơn một lần được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề cập tại các diễn đàn kinh tế.

Sáng 17/12, khi trình bày một số vấn đề cơ bản của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, thêm một lần Viện trưởng Cung lại nhấn mạnh sự chênh vênh khi đi trên “cầu khỉ” của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. 

Và theo ông thì không thể để tình trạng này tiếp tục, khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới.

Sự chênh vênh được TS. Cung chỉ ra từ việc nhiều doanh nghiệp Việt không có quan điểm kinh doanh và mục tiêu dài hạn. Nên họ không chú ý phát triển nhân lực, không chú ý đầu tư ứng dụng kỹ thuật mới. Họ cũng thiếu cách thức kêu gọi vốn đầu tư dài hạn, không chú trọng xây dựng sự tin cậy của đối tác khách hàng. 

Đồng thời, họ có thiên hướng “lách” hơn là tuân thủ pháp luật.

Theo ông Cung, đây là hệ quả của một thể chế yếu kém, không rõ ràng, không cụ thể, khó tiên liệu trước, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình kém.

Chính vì thiếu niềm tin, vì cảm nhận không được an toàn, nên doanh nghiệp đầu tư nhỏ và ngắn hạn là chủ yếu. Ở một phía khác là thân hữu, đầu cơ, khai thác địa tô, tài nguyên… lại có dư địa để nở rộ, chi phối, ông Cung nhìn nhận.

Khẳng định không thể hội nhập với một lực lương doanh nghiệp - doanh nhân như vậy, Viện trưởng Cung cũng nêu góc nhìn của ông về hệ quả của việc không cải cách đủ mạnh, đủ nhanh theo yêu cầu hội nhập.

Đó là, nền kinh tế tiếp tục có tăng trưởng, nhưng chủ yếu do FDI. Cơ hội của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lợi ích của TPP do đó sẽ chủ yếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào bên ngoài.

Hệ quả còn là doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục khai thác dư địa còn lại của các nguồn lực có địa tô, là công cụ để phân phối giữa các nhóm lợi ích.

Còn, doanh nghiệp tư nhân, người lao động Việt Nam bị cuốn theo dòng chảy, trào lưu của hội nhập mà không chủ động tham gia hội nhập, không được hưởng lợi từ hội nhập, trái lại có thể bị hội nhập dập vùi.

Từ phân tích này, vị Viện trưởng CIEM cho rằng Việt Nam phải thay đổi đủ toàn diện, đủ mạnh và nhất quán để hiện thực hoá cơ hội, chuyển thách thức và điểm yếu thành cơ hội. 

Theo ông, đó nên là trọng tâm tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020. Và cũng là để doanh nghiệp Việt không tiếp tục phải chênh vênh trên “cầu khỉ” như bấy lâu nay nữa.

5 năm tới, nếu không thay đổi thật mạnh mẽ, thì hy vọng cho Việt Nam trong tương lai sẽ trở nên mờ nhạt hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với ông Nguyễn Đình Cung.

Từ kinh nghiệm của cố vấn cao cấp dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (RCV), ông Ray Mallon cho rằng tái cơ cấu 5 năm tới cần phải tiến hành trên cơ sở duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đây chính là yếu tố quan trọng để tái cơ cấu thành công.

Quá trình này, theo ông cố vấn dự án RCV, phải xác định cụ thể các kết quả cần đạt được, với mục tiêu ưu tiên rõ ràng, dễ hiểu và có lộ trình.

Vị cố vấn cũng nêu ra khá nhiều những đầu việc cụ thể cần được ưu tiên trong xây dựng thể chế kinh tế để hỗ trợ phát triển trong giai đoạn tới. Như, xây dựng các cơ quan xây dựng pháp luật độc lập và các thể chế giám sát để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Hay tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự trong giám sát.

Một điều quan trọng được ông Ray Mallon nhấn mạnh là cần phân công trách nhiệm cụ thể để đạt được các chỉ số trong kế hoạch (cái gì, ai, thực hiện như thế nào...). Vì vấn đề có thể đươc thực hiện vào bất kỳ thời gian nào sẽ không bao giờ được thực hiện.

“Đã bắt đầu được khỏi động, đề án tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020 dự kiến sẽ trình Quốc hội khoá 14 tại kỳ họp thứ 2, vào tháng 10/2016”, ông Cung cho biết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate