Trong hơn 33 năm qua, Việt Nam đã hình thành nên một hệ thống khu công nghiệp và khu kinh tế có vị trí quan trọng trong hệ thống kinh tế đầu tư nước ngoài.
Thống kê cho thấy hàng năm số lượng vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm tới 60-70% tổng lượng vốn FDI thu hút được trong cả nước. Lũy kế đến cuối tháng 6/2020, đã có hơn 198 tỷ USD vốn FDI và 2,3 triệu tỷ đồng vốn trong nước đổ vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Số liệu này cho thấy việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian qua đạt kết quả tích cực. Các khu công nghiệp, khu kinh tế dần trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
CÒN NHIỀU ĐẤT TRỐNG CHO KHU CÔNG NGHIỆP
Đáng chú ý, cùng với sự gia tăng dòng vốn, chất lượng vốn đã có những chuyển biến tích cực. Các dự án FDI có quy mô lớn được cấp phép từng bước đã làm tăng quy mô trung bình của một dự án, cũng như hàm lượng công nghệ cao mà các dự án này mang vào. Điển hình như dự án Intel (Mỹ) trong khu công nghệ cao TP.HCM; dự án Samsung tại ba địa phương Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM; dự án của LG tại khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, TP.Hải Phòng; dự án của Tập đoàn Kyocera (Nhật Bản) tại khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên; hay dự án sản xuất dây truyền động ô tô của Tập đoàn Robert Bosch (Đức) tại khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sự gia tăng của loạt dự án khủng, có hàm lượng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong những năm gần đây đã đẩy tỷ lệ số lượng các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm khoảng 70-80% tổng số các dự án đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Qua đó, làm tăng đáng kể mức sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn như sản xuất điện thoại di động thông minh, điện tử khác, dầu khí,…
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác. Đây là cơ sở quan trọng định hướng cho xây dựng chính sách mới và hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài về khu công nghiệp, khu kinh tế từ nay cho đến năm 2030, có tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong bối cảnh mới.
Hiện nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam có thể đáp ứng được đòi hỏi đất đai, với diện tích mặt bằng có sẵn cùng hệ thống hạ tầng công nghiệp đã được xây dựng, nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo vùng của Nhà nước để giảm thiểu các thủ tục “xin - cho”...
Chỉ nói riêng về các khu công nghiệp, diện tích đất các khu công nghiệp đã được lấp đầy đến thời điểm hiện nay mới chiếm khoảng 54% của tổng diện tích đất đã được cấp cho các khu công nghiệp trên 95.000 ha. Như vậy, cũng phải còn đến trên 43.000 ha đất trống dành cho các dự án đầu tư mới, không kể theo dịnh hướng phát triển các khu công nghiệp sẽ còn có các khu công nghiệp mới được hình thành trong tương lai, bao gồm các loại hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” (đã được xác định tại NĐ số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế), khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái...
VƯỢT QUA THÁCH THỨC
Tuy vậy, trong bối cảnh mới dưới tác động của đại dịch Covid-19, tổng lượng vốn đầu tư toàn cầu đã giảm tới 40% trong năm 2020, từ 1.500 nghìn tỷ USD xuốn còn khoảng 850 nghìn tỷ USD (theo báo cáo của UNTAD 2021). Cạnh tranh chiến lược và cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc lớn, đặc biệt là Mỹ - Trung, sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam hiện nay khi thực hiện định hướng “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong hợp tác đầu tư nước ngoài và trong bối cảnh một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn khi nền kinh tế chưa tự chủ được
Báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid dẫn đến việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển người lao động trong các khu công nghiệp đã làm đình trệ sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, giảm công suất và sản phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... nên đã có những đơn hàng phải chuyển sang địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này, thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang các nước khác và ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư mới.
Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh với các nước đang phát triển trong thu hút FDI nói chung và vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong khu vực là rào cản không nhỏ đối với việc duy trì tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu này của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam sau gần 33 năm đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Đó là quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Việc quy hoạch thành lập các khu khu công nghiệp, khu kinh tế chưa cân đối, còn tập trung vào một số vùng kinh tế trọng điểm gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số địa phương;
Mô hình phát triển các khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nguồn lực phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tiềm năng về đất, chưa thực sự tạo ra được các cụm sản xuất có quy mô để tăng khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế như nhiều dự án FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế có hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao, ít sử dụng nguyên liệu, bán thành phẩm trong nước nên giá trị gia tăng thấp, tính lan tỏa còn hẹp.
Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong khu công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn hạn chế khi hơn 90% vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến từ các doanh nghiệp trong nước; kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, khu kinh tế đã được nâng cao nhưng chưa bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết, hiện đại để cạnh tranh với các khu công nghiệp, khu kinh tế trong khu vực và quốc tế; sự phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nên việc tạo và xây dựng mối liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn. Bên cạnh đó là thách thức liên quan tới bảo vệ môi trường và chất lượng nguồn nhân lực.
CẦN TẬP TRUNG VÀO MỘT SỐ NGÀNH MŨI NHỌN
Trong bối cảnh sản xuất của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói riêng bị đình trệ, công suất sản xuất giảm do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid, nhưng với quyết tâm của Chính phủ và đồng lòng của toàn dân hiện nay trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất thành công”, hy vọng sẽ sớm có các giải pháp mới để vừa giữ chân của các nhà đầu tư hiện có, vừa thu hút thêm được các dự án đầu tư mới và việc thực hiện các định hướng về thu hút đầu tư tiếp tục phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo định hướng đặt ra tại Nghị quyết 50 sẽ được hoàn thành vào năm 2030.
Theo đó, cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế thành các trọng điểm chế biến, chế tạo, theo hướng tập trung vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như: cơ khí chế tạo, điện và điện tử, công nghệ thông tin... (đã được xác định tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020).
Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế phải theo hướng bảo đảm đồng bộ với tốc độ phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, theo hướng ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao, hiện đại theo yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế số, và thân thiện với môi trường;
Tiếp tục thu hút các dự án động lực quy mô lớn, công nghệ cao từ các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín và tiềm lực để hình thành các cụm sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa, có tính liên kết cao giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn FDI.
Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... với chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cao nhằm tạo điều kiện thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào khu công nghiệp, khu kinh tế.
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)