March 01, 2022 | 19:00 GMT+7

Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vẫn còn 270 đơn khiếu nại chưa giải quyết

Ban Mai -

Trong các vụ việc diễn ra tại TP. Thủ Đức, mấu chốt là yêu cầu của người dân và chính sách chưa “gặp nhau”, vẫn còn độ vênh, cần sự tham gia của rất nhiều bên mới có thể giải quyết được…

Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Sáng 01/3/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM) về việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ 01/7/2016 đến 01/7/2021.

KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI LÀ NHIỀU NHẤT

Tại buổi làm việc, ông Võ Minh Thanh Tùng, Chánh Thanh tra TP. Thủ Đức, cho biết trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tranh chấp đất đai, nhà cửa, việc bồi thương, hỗ trợ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, Dự án chỉnh trang phát triển đô thị Long Bình, Công viên lịch sử - văn hóa - dân tộc, Đại học Quốc gia TP.HCM…

Cụ thể, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức, cho biết vẫn còn tồn hơn 270 đơn.

“Khi nào Thanh tra Chính phủ chưa tổ chức đối thoại về Kết luận 1483 thì khi đó chưa thể giải quyết được số đơn tồn đọng này”, vị này nhấn mạnh.

Đối với Khu công nghệ cao, kết luận có từ cuối năm 2017, đến nay về cơ bản đã giải quyết đầy đủ, đảm bảo quyền lợi. Vừa qua, TP. Thủ Đức tiếp 49 hộ khiếu nại kéo dài, đến nay còn 26 trường hợp chưa đồng ý.

Về dự án Đại học Quốc gia TP.HCM, theo kế hoạch đến cuối năm 2021 sẽ giải ngân 250 tỷ đồng, còn lại giải quyết trong năm 2022. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác xác định nguồn gốc đất đai, nhất là ở khu vực phường Linh Trung do người dân chủ yếu mua bán nhà đất bằng giấy tay.

 
"Trong các vụ việc diễn ra tại TP. Thủ Đức, mấu chốt là yêu cầu của người dân và chính sách chưa “gặp nhau”, vẫn còn độ vênh, cần sự tham gia của rất nhiều bên mới có thể giải quyết được", Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại buổi giám sát.  
"Trong các vụ việc diễn ra tại TP. Thủ Đức, mấu chốt là yêu cầu của người dân và chính sách chưa “gặp nhau”, vẫn còn độ vênh, cần sự tham gia của rất nhiều bên mới có thể giải quyết được", Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại buổi giám sát.  

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, tại TP.HCM có 10 vụ khiếu nại, tố cáo đông người thì TP. Thủ Đức chiếm đến 04 vụ. Các vụ việc đã nhiều lần giải quyết nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Do đó, cần có sự phối hợp của các sở ngành, riêng TP. Thủ Đức không giải quyết được.

“Thông báo Kết luận 1483 đã được ban hành từ tháng 9/2018 (về việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM), nhưng đến nay người dân vẫn đang chờ đợi buổi tiếp xúc đối thoại với Thanh tra Chính phủ về kết luận này. Trong đó, có khiếu nại ranh giới qui hoạch 05 khu phố thuộc 03 phường Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đa phần người dân không đồng tình với nội dung của Thanh tra Chính phủ. Hiện UBND TP.HCM cũng đang xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện chính sách bổ sung đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm”, ông Tùng nói.

BỊ ĐƠN CỦA HƠN 400 VỤ KIỆN

Ông Hoàng Tùng cho biết thêm, hiện UBND và Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức đang là bị đơn của hơn 400 vụ kiện khác nhau. Đa phần các vụ này đều ủy quyền cho các phòng ban chức năng tham gia đại diện, tranh luận trước tòa.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã có nhiều tổ chức, cá nhân mời luật sư đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Đây là điểm tích cực.

Trong khi không phải lúc nào cán bộ cũng có đủ kinh nghiệm, kiến thức pháp luật để tham gia tranh tụng, thì vẫn chưa có cơ chế huy động thêm sự hỗ trợ của văn phòng luật sư, tư vấn pháp lý để có thể đại diện cho TP. Thủ Đức tham gia tranh tụng.

Thực tế cho thấy đa số đơn khiếu nại, tố cáo đều liên quan đến lĩnh vực đất đai. Theo ông Hoàng Tùng, cần xem xét lại Luật Đất đai 2013, đặc biệt là quy định liên quan đến bồi thường.

“Quy trình bồi thường được quy định hết sức phức tạp, tưởng chừng như chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của người dân nhưng phần lớn người dân không đồng tình. Cho nên cái gốc là Luật Đất đai 2013 phải xem xét lại”, ông  Tùng nhấn mạnh.

Về phía Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, cho rằng có những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo nhưng thực ra lại liên quan chặt chẽ với các lĩnh vực khác như đất đai. UBND TP. Thủ Đức cần chỉ đạo phòng ban tập trung giải quyết đúng tiến độ các vụ khiếu kiện, khiếu nại, không để kéo dài…

Thực tế một số trường hợp cụ thể sau khi thu hồi đất, đời sống người dân không “bằng hoặc cao hơn” mức sống cũ. “Nếu đặt mình trong hoàn cảnh người dân, mình có đi khiếu nại không?”, bà Tuyết nói.

 

Ông Võ Minh Thanh Tùng, Chánh Thanh tra TP. Thủ Đức, cho biết trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tiếp nhận là 15.063 đơn, trong đó, 1.588 đơn khiếu nại, 396 đơn tố cáo và 13.002 đơn kiến nghị, phản ánh.

TP. Thủ Đức đã giải quyết được 1.183 đơn khiếu nại và 95 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết. Trung bình mỗi năm TP. Thủ Đức có hơn 3.000 đơn khiếu nại, tố cáo cần xử lý. Dù cán bộ đã nỗ lực giải quyết, nhưng tỷ lệ trễ hạn vẫn còn cao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate