Tại các khu công nghiệp và khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên hiện có 118 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký gần 10.200 tỷ đồng và 35,7 triệu USD, trong đó, có 101 dự án có vốn đầu tư trong nước, 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài
THÁO GỠ KHÓ KHĂN, THU HÚT ĐẦU TƯ
Tại hội nghị tổng kết tình hình hoạt động doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu kinh tế Nam Phú Yên năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức mới đây, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 2.100 ha. Trong đó, 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch Covid -19 và quá trình phục hồi năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung, các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp và khu kinh tế Nam Phú Yên nói riêng đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, đạt được các kết quả tích cực đáng ghi nhận.
Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế Nam Phú Yên ước thực hiện 8.224 tỷ đồng, đạt 114% so với kế hoạch năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu 228 triệu USD, đạt 127% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 182 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 10.500 lao động.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, đánh giá cao sự chủ động quan tâm, tích cực đồng hành của Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên và các các cơ quan có liên quan trong hỗ trợ phát triển hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng lưu ý công tác xúc tiến đầu tư trong khu kinh tế Nam Phú Yên, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số hạn chế.
Ban Quản lý chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, mang tính động lực, lan tỏa tại khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt các dự án khác phát triển dẫn đến chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Số lượng dự án FDI đầu tư vào khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa nhiều, số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư...
Ông Lê Tấn Hổ đề nghị phải quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp; phối hợp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong suốt quá trình từ lúc đăng ký đến triển khai đầu tư, đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng dự án. Đặc biệt là tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công theo kế hoạch được duyệt.
“Tỉnh Phú Yên sẽ luôn đồng hành để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Lê Tấn Hổ cam kết.
KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN QUY MÔ 20.730 HA
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên tập trung hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 và quy hoạch chi tiết một số khu chức năng trong khu kinh tế Nam Phú Yên. Qua đó làm cơ sở cho công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Tích cực thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng trong khu kinh tế Nam Phú Yên. Phấn đấu đến năm 2025 kết cấu hạ tầng khu kinh tế Nam Phú Yên cơ bản được đầu tư đồng bộ.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 được thông qua tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Phú Yên khoá VIII.
Khu kinh tế Nam Phú Yên được điều chỉnh với diện tích 20.730 ha, giảm 250 ha so với trước đây do cập nhật lại ranh giới tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Bộ Giao thông Vận tải thỏa thuận với địa phương.
Theo đó, khu kinh tế Nam Phú Yên được chia thành 6 phân khu chức năng. Trong đó, phân khu 1 là khu vực phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa, định hướng phát triển khu đô thị sân bay và hình thành quỹ đất hậu cần sân bay - dự trữ phát triển mở rộng sân bay trong tương lai dài hạn, phát triển du lịch sinh thái ven sông Ba.
Phân khu 2, khu vực phát triển đô thị du lịch, dịch vụ ven biển, định hướng phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp khu vực ven biển.
Phân khu 3, khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh, định hướng hình thành đô thị nén, tập trung tại khu vực lõi Hòa Vinh, kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước. Khu vực phía Đông Bắc phát triển công nghiệp bảo đảm sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Phân khu 4, khu vực phát triển du lịch, dịch vụ ven sông Bàn Thạch, định hướng phát triển mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bán ngập, kết hợp nông nghiệp thủy sản công nghệ cao tại hạ lưu sông Bàn Thạch, phát triển mô hình khu du lịch sinh thái ven sông, trang trại nhà vườn sinh thái.
Phân khu 5, khu vực phát triển công nghiệp tập trung, định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, đa ngành.
Phân khu 6, khu vực phát triển phía Nam, định hướng hình thành tam giác phát triển du lịch đa dạng, chất lượng cao.
Dự báo dân số ở khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 là gần 300.000 người, nhu cầu sử dụng quỹ đất xây dựng khoảng 14.000 ha.