January 18, 2022 | 13:00 GMT+7

Khu kinh tế Vân Phong sẽ là trung tâm kinh tế có sức lan toả trên cả nước

Phan Nam -

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành các quyết định phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã Ninh Hòa và của huyện Vạn Ninh. Quy hoạch sử dụng đất ở hai địa phương này cơ bản được lập trên cơ sở định hướng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Mới đây, ngày 14/1, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức Hội đồng Thẩm định Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

 SỞ HỮU 80.000HA MẶT NƯỚC VÀ 70.000 HA ĐẤT LIỀN

Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn), phạm vi nghiên cứu lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền khoảng 70.000 ha thuộc 2 huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà…

Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia nói chung và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói riêng; xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế; xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện với môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng, thu hút nguồn lực đầu tư, nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.

Đồng thời, xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế, có sức lan toả trong vùng và cả nước; trở thành vùng động lực phát triển, đô thị hiện đại, thông minh, khu vực đáng sống với biểu tượng Xanh - Tri thức - Bản sắc; bảo đảm quốc phòng - an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; làm cơ sở để lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thu hút các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn và là công cụ pháp lý để Ban quản lý Khu kinh tế, chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong với tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó kinh tế biển có cảng trung chuyển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác; là khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, trở thành đô thị biển đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh bền vững, trong đó, khu thương mại tự do đóng vai trò hạt nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển Khu kinh tế; là trung tâm du lịch giải trí, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp tận dụng thế mạnh là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế; là trung tâm kinh tế tỉnh Khánh Hòa, có vai trò thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và toàn quốc.

DỰ KIẾN THÁNG 6/2022 SẼ HOÀN THÀNH ĐỒ ÁN QUY HOẠCH

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Nguyễn Hữu Nghị, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong đang được khẩn trương triển khai thực hiện để trình phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, căn cứ vào đồ án này sẽ có đề nghị điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất nếu chưa phù hợp với đồ án để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch. Nội dung đồ án này cũng sẽ được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nay, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đang được đơn vị tư vấn hoàn thiện. Vì vậy, phải có quy hoạch sử dụng đất thì thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh mới có thể triển khai các hoạt động trên đất như xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai tiếp các dự và người dân có cơ sở để thực hiện quyền và nghĩa vụ trên đất.

Với quyết định phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã Ninh Hòa, thì đến năm 2030, tổng diện tích đất nông nghiệp của thị xã sẽ giảm từ 95.604ha (năm 2020) xuống còn 85.409ha; đất phi nông nghiệp tăng từ hơn 15.000ha lên gần 31.600ha; đất chưa sử dụng giảm từ 5.800ha xuống còn gần 69ha; đất ở đô thị tăng từ 476ha lên 3.545ha và đất ở nông thôn tăng từ 1.505ha tăng lên 2.127ha; đất vui chơi giải trí cũng tăng từ 6,24 ha lên 784ha (gấp gần 126 lần so với 2020).

Còn theo quyết định phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Vạn Ninh, vào năm 2030, tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện là 41.064ha, đất phi nông nghiệp 15.815ha, đất chưa sử dụng 341ha. Cụ thể, so với năm 2020, đất ở đô thị năm 2030 tăng gấp 18 lần, tương đương 1.753ha; đất ở nông thôn giảm từ 641ha xuống còn 461ha; đất danh lam thắng cảnh từ tình trạng chưa có quy hoạch được tăng lên 210ha; đất vui chơi giải trí tăng từ 5,2ha lên 380ha, (gấp hơn 73 lần)… Vạn Ninh cũng sẽ chuyển hơn 7.456ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở các xã có lợi thế về du lịch, công nghiệp như: Vạn Thạnh 2.182ha, Vạn Hưng 1.052ha...

Việc có nhiều thay đổi về mục đích sử dụng đất tại 2 địa phương này được đánh giá sẽ góp phần quan trọng vào triển khai hiệu quả chiến lược phát triển lâu dài đang được quy hoạch trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong. 

Trải rộng vùng ven biển huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, Khu Kinh tế Vân Phong sở hữu khá nhiều lợi thế, trong đó lợi thế nhất là vịnh Vân Phong kín gió, độ sâu từ 20 - 27m, phù hợp để hình thành cảng nước sâu. Đến nay, Khu Kinh tế đã thu hút khoảng 150 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD. Vân Phong đã từng là "điểm nóng" về giao dịch đất đai và đang là tâm điểm đầu tư bất động sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate