November 15, 2021 | 18:07 GMT+7

Khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất toàn cầu muốn hồi hương?

Hoài Thu -

Trong một bài đăng trên Bloomberg mới đây, nhà báo Brooke Sutherland đặt câu hỏi: Liệu những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 có khiến các nhà sản xuất nghĩ lại về nơi đặt nhà máy của mình và xây dựng nhiều nhà máy gần quê nhà hơn không...

Giám đốc điều hành Siemens, Roland Busch, phân tích 2 lý do để các nhà sản xuất cân nhắc việc đưa hoạt động hồ hương - Ảnh: AFP/Getty Images
Giám đốc điều hành Siemens, Roland Busch, phân tích 2 lý do để các nhà sản xuất cân nhắc việc đưa hoạt động hồ hương - Ảnh: AFP/Getty Images

Với Roland Busch, Giám đốc điều hành hãng phần mềm và tự động hóa nhà máy Siemens AG, câu trả lời là có, vì hai lý do.

HÀNG LOẠT TUYÊN BỐ ĐẦU TƯ NHÀ MÁY TẠI MỸ, CHÂU ÂU

Thứ nhất, hiện tại, phần lớn hoạt động sản xuất chất bán dẫn và pin của thế giới tập trung ở châu Á và các Chính phủ phương Tây nhận ra rằng đây không phải điều khôn ngoan và hoàn toàn không bền vững với những sản phẩm có tầm quan trọng chiến lược.

Theo phân tích dữ liệu của Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn của Bank of America Corp, trong khoảng thời gian từ 2008 - 2018, công suất sản xuất chip tại Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 1,5% một năm, thấp hơn nhiều so với doanh số mặt hàng này.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, hàng loạt công ty lớn liên tiếp công bố xây dựng nhà máy mới tại Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu.

Công ty Samsung Electronics của Hàn Quốc đang có kế hoạch đầu 17 tỷ USD xây nhà máy sản xuất chip nước này. Còn công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đang xây dựng một nhà máy 12 tỷ USD tại bang Arizona (Mỹ), đồng thời dự tính xây một nhà máy khác tại Đức.

Hãng Intel Corp. cũng dự kiến đầu tư thêm 20 tỷ USD để tăng năng lực sản xuất chip tại Mỹ và có kế hoạch rót tới 95 tỷ USD xây 3 nhà máy mới tại châu Âu trong thập kỷ tới.

Những tháng gần đây, nhiều hãng chip lớn công bố đầu tư hàng chục tỷ USD xây nhà máy tại Mỹ và châu Âu - Ảnh: AP
Những tháng gần đây, nhiều hãng chip lớn công bố đầu tư hàng chục tỷ USD xây nhà máy tại Mỹ và châu Âu - Ảnh: AP

Không chỉ với con chip, nhiều công ty cũng đang có kế hoạch xây nhà máy sản xuất các mặt hàng công nghiệp khác tại các quốc gia phương Tây.

Hãng xe Ford Motor và công SK Innovation của Hàn Quốc dự kiến đầu tư 11,4 tỷ USD xây 3 nhà máy và một cơ sở lắp ráp xe bán tải điện F-Series tại bang Tennessee và Kentucky. Còn General Motors có kế hoạch vận hành 4 nhà máy pin xe điện tại Mỹ thông qua liên doanh với công ty LG Chem Ltd. của Hàn Quốc.

Tuần trước, tập đoàn Nhật Bản Toyota Motor Corp. cũng tuyên bố sẽ đầu tư 240 triệu USD xây dựng dây chuyền sản xuất mới cho các dòng xe lai tại nhà máy của hãng tại Tây Virginia, Mỹ. Còn startup xe điện Mỹ Rivian Automotive Inc. – công ty mới niêm yết cổ phiếu và đạt vốn hóa hơn 100 tỷ USD tuần trước – đang có một danh sách dài các dự án, trong đó có dự án xây dựng nhà máy ô tô thứ hai tại Mỹ, một nhà máy khác ở châu Âu và nhà máy sản xuất pin điện trong nước.

“Chắc chắn đang xảy ra việc đưa hoạt động sản xuất hồi hương hoặc phân phối lại giá trị trong các ngành công nghiệp này”, Busch của Siemens nhận định trong một cuộc phỏng vấn.

BÀI TOÁN TỰ ĐỘNG HÓA VÀ NHỮNG THAY ĐỔI Ở TRUNG QUỐC

Lý do thứ hai cho xu hướng dịch chuyển sản xuất về phương Tây được ông Busch đưa ra là năng lực tự động hóa tuyệt vời tại Mỹ và châu Âu, khiến việc đặt nhà máy tại đây hấp dẫn hơn về mặt chi phí.

Theo khảo sát được thực hiện 10 năm một lần công bố đầu năm nay của cơ quan thống kê Trung Quốc, dân số trong độ tuổi làm việc tại nước này đang sụt giảm và chi phí lao động tăng lên.

Lợi thế lao động giá rẻ của Trung Quốc đang dần mất đi - Ảnh: Forbes
Lợi thế lao động giá rẻ của Trung Quốc đang dần mất đi - Ảnh: Forbes

Từ lâu được biết đến là "công xưởng sản xuất" của thế giới với lao động giá rẻ, năm 2020, mức lương bình quân năm của một công nhân sản xuất tại một doanh nghiệp ở Trung Quốc là 74.641 Nhân dân tệ (khoảng 11.700 USD) trong năm 2020, tăng đáng kể so với mức 58.049 Nhân dân tệ năm 2017.

"Không phải ngẫu nhiên mà xu hướng này lại xung đột với sự gia tăng về mức độ tự động hóa tại các nhà máy", ông Busch nhận xét.

Theo Hiệp hội Robot quốc tế, trên toàn cầu, tỷ lệ robot công nghiệp trên nhân viên sản xuất toàn cầu là 126/10.000, tăng từ con số 50/10.000 năm 2011.

Mật độ robot đang tăng dần tại các nhà máy khi công nghệ phát triển và tình trạng thiếu lao động khiến các công ty phải đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa.

“Dân số lao động Trung Quốc đã qua đỉnh điểm. Khi ngày càng có ít lao động hơn, bạn phải tự động hóa nhiều hơn. Và khi tự động hóa, mức lương tăng lên. Vậy, giờ đây lợi thế từ việc sản xuất tại Trung Quốc là gì?”, ông Busch đặt câu hỏi.

Chi phí lao động không phải là điều duy nhất mà các doanh nghiệp phải cân nhắc khi sản xuất tại Trung Quốc. Theo ông Busch, chi phí năng lượng và các chính sách ưu ái doanh nghiệp nội của Bắc Kinh cũng là các nhân tố cần xem xét.

Một lợi ích của việc sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc là nước này đã có một hệ sinh thái các nhà cung cấp linh kiện lâu năm. Tuy nhiên, ông Busch cho rằng với chi phí vận chuyển chi phí xuyên Thái Bình Dương quá cao và ngày càng nhiều công ty có biện pháp để hạn chế khí thải carbon, đây là thời điểm thật sự cần suy nghĩ lại về địa bàn đặt nhà máy.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate