April 10, 2023 | 21:13 GMT+7

Khủng hoảng dân số cận kề, nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn không muốn sinh con

Hoài Thu -

Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số một phần do ngày càng nhiều phụ nữ muốn tập trung vào sự nghiệp và các mục tiêu cá nhân, thay vì lập gia đình...

Một bà mẹ và con chơi cầu trượt tại khu mua sắm Wukesong ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images
Một bà mẹ và con chơi cầu trượt tại khu mua sắm Wukesong ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images

Theo CNBC, Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn do già hóa dân số và đang chật vật để thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Năm 2016, Chính phủ nước này loại bỏ chính sách một con kéo dài hơn 3 thập kỷ, và tới năm 2021, loại bỏ giới hạn sinh con của mỗi gia đình. Tuy nhiên, theo bà Mu Zheng, trợ lý giáo sư tại khoa xã hội học và nhân chủng học thuộc Đại học Quốc gia Singapore, các cặp vợ chồng Trung Quốc đang ngày càng sinh ít con hơn hoặc thậm chí không sinh con.

SỰ NGHIỆP VÀ TỰ DO ĐƯỢC ƯU TIÊN

“Covid đang tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực và tạp ra tâm lý thiếu chắc chắn về tương lai”, bà Mu nói với CNBC. “Cảm giác bất lực đang khiến nhiều phụ nữ không muốn sinh con”.

Theo bà, chi phí sinh hoạt tăng cao cũng đang khiến nhiều người không muốn mở rộng quy mô gia đình.

Dữ liệu từ Tổng Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy dân số nước này đã giảm từ 1,413 tỷ người vào năm 2021 xuống còn 1,412 tỷ người năm 2022. Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên nước này lần đầu tiên xuống mức âm kể từ năm 1960, theo dữ liệu từ Wind.

Theo nhà kinh tế học độc lập Andy Xie, Trung Quốc là quốc gia có lực lượng lao động với tỷ lệ nữ giới cao hơn so với các quốc gia ở phương Tây.

“Ở Trung Quốc, người ta luôn khát khao có sự nghiệp. Sinh con rồi ở nhà làm nội trợ không bao giờ là một mục tiêu của nữ giới. Điều này thậm chí không xuất hiện trong tầm ngắm của hầu hết phụ nữ”, ông Xie nói.

Theo ông Xie, do phụ nữ ngày càng có trình độ cao hơn và có khả năng thăng tiến ở nơi làm việc, họ kỳ vọng chồng mình phải có thu nhập tốt hơn.

Năm 2020, sinh viên nữ chiếm gần 42% đăng ký nghiên cứu sinh ở bậc tiến sĩ và tỷ lệ nữ giới đăng ký học bậc thạc sĩ cao hơn đáng kể so với nam giới, theo dữ liệu của Statista.

Nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn kết hôn và sinh con vì muốn ưu tiên sự nghiệp và sự tự do - Ảnh: Getty Images
Nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn kết hôn và sinh con vì muốn ưu tiên sự nghiệp và sự tự do - Ảnh: Getty Images

“Nam giới ở Trung Quốc đối mặt gánh nặng lớn vì nữ giới sẽ yêu cầu sự an toàn tài chính từ họ, nếu không sẽ không kết hôn”, ông Xie nói. “Nhiều người từng bị chỉ trích vì sống độc thân, nhưng giờ đây, xã hội không còn kỳ thị việc này nữa”.

Chia sẻ với CNBC, Awen, một nhà thiết kế tự do 31 tuổi đến từ Thẩm Quyến, cho biết cô cảm thấy hạnh phúc khi sống độc thân.

“Tiết kiệm tiền và tập trung vào sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu của tôi lúc này. Tôi cảm thấy kiệt sức sau giờ làm việc và không thể tưởng tượng nếu có con sẽ thế nào nữa”, Awen chia sẻ.

Cô gái trẻ cho biết hầu hết các ông chồng ở Trung Quốc không giữ vai trò then chốt trong việc nuôi dạy con cái, thay vào đó, gánh nặng hoàn toàn đổ lên vai người mẹ.

“Nhiều phụ nữ không muốn kết hôn vì công việc nhà và việc chăm sóc con cái đổ lên đầu họ”, Awen cho biết. “Vì vậy, nếu phụ nữ cảm thấy cần phải làm việc nhà, kiếm tiền và làm mọi thứ một mình, thì tại sao không ở một mình?”.

Tuy vậy, bố mẹ Awen không ủng hộ điều này.

“Bố mẹ tôi muốn duy trì huyết thống, nhự vậy tức là phải có nhiều con cháu”, cô gái 31 tuổi chia sẻ.

Theo trợ lý giáo sư Mu của Đại học Quốc gia Singapore, phụ nữ Trung Quốc giờ đây độc lập về mặt kinh tế hơn, vì vậy kết hôn không phải là một lựa chọn hấp dẫn với nhiều người.

Theo dữ liệu từu CEIC, năm 2021, Trung Quốc có 7,64 triệu cặp đôi kết hôn, giảm từ 8,14 triệu cặp vào năm 2020.

MẸ ĐƠN THÂN

Ngoài ra, những phụ nữ ly hôn sau khi sinh con đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và gặp khó khăn trong việc đạt được sự cân bằng trong sự nghiệp khi nuôi con một mình.

 

"Tôi rất hạnh phúc với con mình, nhưng đôi lúc tôi cảm thấy hối hận khi sinh con và trở thành mẹ. Tôi sẽ không bao giờ sinh thêm con và không muốn kết hôn lần nào nữa”.

Shannon, một bà mẹ đơn thân 36 tuổi ở Thẩm Quyến

“Tôi cho rằng là một bà mẹ đơn thân không có gì là đáng xấu hổ cả. Nhưng tôi vẫn phải giữ bí mật với đồng nghiệp vì tôi không muốn họ nhìn mình với ánh mắt khác”, Shannon, một bà mẹ đơn thân 36 tuổi ở Thẩm Quyến, chia sẻ.

Giờ đây, dù hạnh phúc hơn sau khi ly hôn, nhưng việc là một bà mẹ đơn thân mang lại những khó khăn mà Shannon chưa từng nghĩ tới, như không có đủ thời gian và sự tự do mà mình muốn.

“Tôi rất hạnh phúc với con mình, nhưng đôi lúc tôi cảm thấy hối hận khi sinh con và trở thành mẹ”, Shannon chia sẻ. “Tôi sẽ không bao giờ sinh thêm con và không muốn kết hôn lần nào nữa”.

Đầu năm nay, tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam Trung Quốc công bố những cư dân chưa kết hôn mà sinh con tại tỉnh này có thể nhận được những trợ cấp tương tự như các cặp vợ chồng đã kết hôn. Động thái này nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh. Theo bà Mu, những động thái như vậy có thể giúp giải quyết tình trạng sinh thấp tại Trung Quốc khi tách bạch mối liên hệ giữa việc kết hôn và việc sinh con.

Theo nhà kinh tế học Xie, giá nhà cao đang là một trong những rào cản lớn đối với các cặp đôi muốn lập gia đình ở Trung Quốc. Việc sở hữu nhà ở nước này là mang lại một vị thế rất lớn, do đó nhiều người thường muốn cố gắng mua được nhà trước khi kết hôn.

“Tuy nhiên, giá nhà là mối lo ngại lớn với bất kỳ ai muốn lập gia đình”, ông Xie nói. “Giá nhà cần phải giảm ít nhất 50% mới khiến cho nhiều người muốn kết hôn hơn”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate