May 12, 2021 | 06:00 GMT+7

Khủng hoảng dân số gõ cửa, Trung Quốc có thể "già trước khi giàu"

Điệp Vũ -

Dân số Trung Quốc tăng chậm nhất trong nhiều thập kỷ, đặt nước này trước nguy cơ già hoá tương tự các nước giàu như Nhật Bản...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Dân số Trung Quốc trong thập kỷ qua tăng chậm nhất kể từ thập niên 1950 do tỷ lệ sinh giảm. Thống kê vừa công bố khiến giới phân tích hoài nghi khả năng của Bắc Kinh về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi đối mặt xu hướng lão hoá dân số tương tự các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm kể từ khi nước này áp dụng chính sách 1 con vào cuối thập niên 1970. Năm 2016, Trung Quốc bỏ chính sách 1 con, thay bằng giới hạn mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con, nhằm ngăn ngừa nguy cơ đất nước rơi vào tình trạng "già trước khi giàu".

DÂN SỐ TĂNG Ì ẠCH

Tuy nhiên, kết quả cuộc tổng điều tra dân số 10 năm/lần trong năm 2020 công bố ngày 11/5 cho thấy dân số ở Trung Quốc đại lục chỉ tăng 5,38% trong thập kỷ qua, đạt 1,41 tỷ người. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện điều tra dân số theo phương pháp hiện đại vào năm 1953.

 

Riêng trong năm 2020, tỷ suất sinh ở Trung Quốc là 1,3 con/phụ nữ, tương đương với mức sinh ở những quốc gia đang lão hoá dân số như Nhật Bản và Italy. Hồi chuông báo động với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là: nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có thể đã bước vào thời kỳ suy giảm dân số không thể đảo ngược, trong khi chưa đạt được mức thu nhập như các nước thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7).

Ngoài ra, kết quả đạt được đồng nghĩa Trung Quốc không đạt mục tiêu đặt ra vào năm 2016 về tăng dân số lên 1,42 tỷ người vào năm 2020 với tỷ suất sinh khoảng 1,8 con/phụ nữ.

Thách thức dân số đang đặt ra sức ép buộc Chính phủ Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Đến nay, các khuyến khích này dường như không bù lại được ảnh hưởng của việc theo đuổi sự nghiệp hay những thách thức cuộc sống khiến các cặp vợ chồng ở nước này hạn chế sinh đẻ.

Bên cạnh đó, với dân số già hoá hiển hiện trước mắt, Trung Quốc sớm muộn gì cũng phải tăng tuổi nghỉ hưu.

“Từ xu hướng phát triển dân số của những năm gần đây, có thể thấy rằng tăng trưởng dân số của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong tương lai”, ông Ning Jizhe, người đứng đầu Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), phát biểu. “Dân số của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong tương lai, nhưng thời gian cụ thể như thế nào thì chưa rõ. Ước tính, dân số Trung Quốc sẽ giữ ở mức hơn 1,4 tỷ người trong tương lai gần”, ông Ning nói.

Trong những tháng gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày càng bi quan về triển vọng dân số, nói rằng dân số có thể sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới. Liên hiệp quốc dự báo dân số Trung Quốc đại lục sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 rồi bắt đầu giảm.

Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, tờ Finacial Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng dân số Trung Quốc năm 2020 thực ra đã giảm so với năm 2019.

Con số chính thức mà Trung Quốc vừa công bố, sau cuộc tổng điều tra vào năm 2020, cao hơn một chút so với con số 1,4005 tỷ dân vào năm 2019, đưa ra vào tháng 2/2020 sau một cuộc điều tra nhỏ hơn.

XU HƯỚNG NGẠI SINH ĐẺ

Từ 2017-2019, số trẻ em được sinh ra hàng năm ở Trung Quốc liên tục giảm. Năm ngoái, Trung Quốc có 12 triệu trẻ em được sinh ra, giảm mạnh từ 14,65 triệu trẻ vào năm 2019, và là mức thấp nhất từ năm 1961.

Nhiều cặp vợ chồng ở các thành phố của Trung Quốc, nhất là những người sinh sau năm 1990, thường đề cao độc lập cá nhân và sự nghiệp hơn việc sinh con, mặc sức ép từ cha mẹ của họ. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố lớn cũng là lý do khiến các cặp đôi không muốn sinh con.

 

Theo một báo cáo năm 2005, một gia đình bình thường ở Trung Quốc phải tiêu 490.000 Nhân dân tệ, tương đương 74.838 USD, để nuôi một đứa trẻ. Theo truyền thông Trung Quốc, đến năm 2020, con số này đã là 1,99 triệu Nhân dân tệ, lớn gấp 4 lần con số của năm 2005.

“Sinh con là một bước thụt lùi về sự nghiệp đối với những phụ nữ ở tuổi tôi”, Annie Zhang, 26 tuổi, một nhân viên bảo hiểm 26 tuổi ở Thượng Hải, người vừa kết hôn tháng 4 năm ngoái, nói với Reuters. “Ngoài ra, chi phí nuôi con cũng rất tốn kém. Có con xong là bạn mất luôn tự do”.

Dân số già hoá sẽ gây áp lực lên những người còn đang trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc và năng suất lao động ở nước này, đồng thời thử thách khả năng chăm lo cho số người cao tuổi ngày càng đông.

Kết quả điều tra dân số cho thấy người từ 65 tuổi trở lên chiếm 13,5% dân số Trung Quốc trong năm 2020, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với con số 8,87% ghi nhận vào năm 2010.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate