Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gây ra làn sóng sa thải và đẩy hàng loạt công ty địa ốc tỷ đô đến bờ vực sụp đổ. Nhiều nhà kinh tế học dự báo tình hình có xu hướng trở nên tồi tệ hơn.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc, doanh số bán nhà mới xây tại nước này năm 2023 giảm 6%, trở về mức chưa từng thấy kể từ năm 2016. Còn theo dữ liệu từ công ty môi giới bất động sản Centaline Property, giá nhà đã qua chuyển nhượng tại 4 thành phố giàu nhất nước gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thẩm Quyến cũng giảm từ 11-14% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh đó, số lượng các dự án mới của các công ty phát triển bất động sản cũng giảm mạnh. Còn người sở hữu nhà tìm cách trả khoản vay thế chấp mua nhà trước hạn và vay tiền ít hơn.
Theo số liệu từ S&P Global Ratings, từng tăng trưởng chóng mặt, doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc giờ đây mắc kẹt trong các cuộc đàm phán kéo dài với nhà đầu tư nước ngoài, sau khi chứng kiến các vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài lên tới 125 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2023.
Theo ghi nhận của tờ báo Wall Street Journal, các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương Trung Quốc đang tìm mọi cách để thu hút khác mua nhà. Một số thậm chí sử dụng chiến lược tiếp thị được đánh giá là “kỳ quặc”.
Năm ngoái, một công ty bất động sản ở thành phố Thiên Tân tung ra video quảng cáo kiểu chơi chữ với nội dung “mua nhà, tặng vợ miễn phí”. Sau đó, công ty này đã bị phạt hơn 4.000 USD vì quảng cáo đó.
Cũng trong năm ngoái, một chung cư ở tỉnh Chiết Giang cũng quảng cáo tặng thỏi vàng 10 gram cho khách mua nhà tại đây.
Đầu tháng này, tại một hội nghị, ông Sheng Song Cheng, cựu giám đốc bộ phận thống kê thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), nhận định suy thoái thị trường bất động sản sẽ kéo dài thêm khoảng 2 năm nữa. Ông dự báo doanh số nhà mới xây sẽ giảm hơn 5% mỗi năm trong năm 2024 và 2025.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ khủng hoảng dai dẳng và chưa phục hồi trong tương lai gần.
“Có quá ít người mua nhà, có thể mua nhà hoặc muốn mua nhà”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho biết. “Đã có sự thay đổi căn bản trong quan điểm của người Trung Quốc về bất động sản, theo đó bất động sản không còn được xem là một kênh đầu tư an toàn.
Lĩnh vực bất động sản và các ngành liên quan từng đóng góp khoảng 25% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc. Cuộc khủng khoảng bất động sản đã kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngày càng nhiều chuyên gia, tổ chức kêu gọi Bắc Kinh hành động quyết liệt hơn để hồi sinh lĩnh vực này, nhưng đến nay các nhà chức trách Trung Quốc mới chỉ đưa ra những chính sách nhỏ lẻ thay vì một gói kích thích lớn.
Một số nhà kinh tế so sánh Trung Quốc với Nhật Bản – quốc gia từng mất nhiều thập kỷ để phục hồi sau khi vỡ bong bóng chứng khoán và bất động sản. Không chỉ bất động sản, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng vừa trải qua một năm bết bát.
“PBOC có thể giúp cho tình hình bớt ‘đau thương’ hơn, nhưng họ phải quyết liệt”, ông Li-gang Liu, giám đốc bộ phận phân tích kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại công ty đầu tư Citi Global Wealth Investments, nhận định. “Họ vẫn còn dư địa chính sách và có thể đưa ra một động thái mang lại tác động lớn”.
Theo ông Liu Yuan, giám đốc bộ phận nghiên cứu bất động sản tại Centaline, nếu không có hỗ trợ từ Chính phủ, giá nhà mới xây có thể sẽ giảm thêm 50% so với mức hiện tại trước khi chạm đáy. Con số này dựa trên giả định rằng thị trường sẽ đi đến “điểm bùng phát” khi mua nhà rẻ hơn so với đi thuê.
Cuộc khủng hoảng địa ốc đã khiến hơn 50 công ty phát triển bất động sản (chủ yếu là công ty tư nhân) vỡ nợ. Các công ty này vẫn còn hàng triệu căn nhà đang xây dở, đã bán nhưng chưa bàn giao cho khách hàng. Dù các nhà chức trách đang hỗ trợ hàng tỷ USD để họ hoàn tất việc xây dựng nhưng tình trạng tồn đọng vẫn chưa hạ nhiệt.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn tỏ ra lạc quan. Theo bà Helen Qiao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Bank of America, khách mua sẽ dần trở lại thị trường nhà mới và thúc đẩy sự phục hồi của toàn ngành. “Từ đây, mọi thứ sẽ dần dần khởi sắc”, bà Qiao nhận định.