“Thị trường nhà vẫn chưa hoàn toàn chạm đáy và giai đoạn co cụm của ngành này chưa kết thúc. Doanh số bán nhà trên toàn quốc vẫn chưa ổn định”, bà Wu nhận định.
Theo tờ South China Morning Post, các doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc đang chật vật vì doanh thu sụt giảm suốt cả năm qua khi niềm tin của người mua nhà bị tổn hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng thanh khoản khiến các dự án nhà bị đình trệ và một làn sóng vỡ nợ.
Trong nửa đầu năm 2022, lợi nhuận ròng của Country Garden, có trụ sở tại Phật Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc), đã giảm tới 96% xuống còn 612 triệu Nhân dân tệ (88 triệu USD). Đây là nửa đầu năm có lợi nhuận giảm mạnh nhất kể từ khi công ty này niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 2007.
Bà Wu cảnh báo dù Country Garden đã bắt đầu có lợi nhuận trở lại, nhưng kết quả kinh doanh của công ty sẽ vẫn chịu áp lực trong tương lai gần.
“Chưa ai có thể tưởng tượng nổi một thị trường địa ốc ảm đạm như thế này”, Giám đốc tài chính của Country Garden nói.
Cũng phát biểu tại buổi họp báo, ông Mo Bin, CEO của Country Garden, xin lỗi khi công ty đã có nửa đầu năm tồi tệ. Dù tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng phục hồi ở thời điểm hiện tại của thị trường nhà ở Trung Quốc, ông Mo dự báo mọi thứ có thể sẽ trở lại bình thường vào khoảng tháng 6/2023.
“Chúng tôi đang đối mặt với một mùa đông cay đắng chưa từng thấy trong lịch sử nhà ở Trung Quốc và sóng gió đã vượt ra ngoài dự kiến của chúng tôi”, CEO của Country Garden nói. “Chúng tôi vô cùng xin lỗi các nhà đầu tư về kết quả hoạt động kém hiệu quả. Đội ngũ quản lý của chúng tôi sẽ suy nghĩ và xem xét lại một cách sâu sắc”.
Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng cốt lõi của Country Garden - được điều chỉnh theo các hạng mục như định giá lại tài sản - đã giảm 68% xuống còn 491 triệu Nhân dân tệ, do doanh thu thấp. Doanh thu bán nhà của công ty đạt 185,1 tỷ Nhân dân tệ, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Rất nhiều vấn đề, bao gồm đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng xảy ra với các công ty khác trong ngành và làn sóng từ chối thanh toán nợ thế chấp mua nhà của khách hàng… đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của chúng tôi”, bà Wu nói. “Để đảm bảo an toàn cho công ty, chúng tôi đã quyết định không chia cổ tức trong năm nay”.
Giá cổ phiếu của Country Garden giảm 4,23% trong phiên giao dịch ngày 30/8, đưa tổng mức giảm trong một năm qua lên 71%.
Từ năm 2020, thị trường địa ốc Trung Quốc liên tục đi từ cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác. Chính phủ nước này đã siết chặt kiểm soát nhằm hạ nhiệt giá nhà và ngăn ngừa rủi ro trên thị trường đang phát triển quá nóng.
Các vấn đề leo thang đáng kể từ mùa thu năm ngoái, khi China Evergrande - tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - bắt đầu rơi vào khủng hoảng tiền mặt. Với số nợ lên tới khoảng 300 tỷ USD, China Evergrande trở thành tập đoàn địa ốc nợ nhiều nhất thế giới. Vào tháng 12/2020, tập đoàn bị Fitch Ratings gắn nhãn là “vỡ nợ”.
Các vấn đề trong lĩnh vực này càng thêm trầm trọng hơn khi Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chiến lược Zero-Covid để kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu.
Trong năm 2021, khoảng 21 nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vỡ nợ. Tháng trước, hàng nghìn người mua nhà đã đồng loạt ngừng trả nợ thế chấp mua nhà – động thái làm cuộc khủng hoảng địa ốc tại quốc gia này thêm tồi tệ.
Gần đây, thị trường địa ốc Trung Quốc hứng một đòn giáng mới khi tập đoàn Shimao, có trụ sở tại Thượng Hải, vỡ nợ khi không thể thanh toán tiền lãi và gốc cho số trái phiếu trị giá 1 tỷ USD đáo hạn vào ngày 3/7. Sau nhiều tháng vật lộn với một loạt rắc rối tài chính, đây là lần đầu tiên tập đoàn lớn này không thể thực hiện các nghĩa vụ đối với trái phiếu bằng đồng USD của mình.