October 15, 2021 | 05:41 GMT+7

Khủng hoảng điện châu Á: Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang khốn đốn

Hoài Thu -

Khủng hoảng điện có thể sẽ tác động tức thì lên sự phục hồi mong manh của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp của Ấn Độ...

Nhà máy điện than Dadri của công ty NTPC Ltd. tại Gautam Budh Nagar, Uttar Pradesh, Ấn Độ - Ảnh: Getty Imags
Nhà máy điện than Dadri của công ty NTPC Ltd. tại Gautam Budh Nagar, Uttar Pradesh, Ấn Độ - Ảnh: Getty Imags

Trung Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng thiếu điện chưa từng thấy khi nhiều tỉnh không thể cung cấp đủ điện chiếu sáng dù giá cao ngất ngưởng. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất công nghiệp buộc phải đóng cửa các nhà máy do thiếu điện, đe dọa tới tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải nước châu Á vật lộn với cảnh thiếu điện. Ấn Độ cũng đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng năng lượng.

TỒN KHO THAN Ở MỨC SIÊU THẤP

Hiện tại, hầu hết nhà máy nhiệt điện than tại Ấn Độ đang có lượng than tồn kho ở mức cực kỳ thấp trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch và nhu cầu điện tăng mạnh. Điện than hiện chiếm khoảng 70% sản lượng điện tại Ấn Độ.

Theo nhà kinh tế Kunal Kundu của Societe Generale, khủng hoảng điện có thể sẽ tác động tức thì lên sự phục hồi mong manh của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp của Ấn Độ.

 

Các công ty nhiệt điện Ấn Độ có lượng than tồn kho thấp và không lường trước được nhu cầu điện tăng vọt trong năm nay...

Hetal Gandhi, Giám đốc nghiên cứu tại CRISIL

Dữ liệu chính thức tới ngày 6/10 cho thấy 80% trong số 135 nhà máy điện than của Ấn Độ chỉ còn tồn kho than dùng cho chưa đầy 8 ngày và hơn 50% nhà máy chỉ có tồn kho ở mức dưới 2 ngày.

Theo Hetal Gandhi, Giám đốc nghiên cứu tại CRISIL – thuộc S&P Global, trong 4 năm qua, mức tồn kho than bình quân tại các nhà máy điện than của Ấn Độ là khoảng 18 ngày.

“Mức tồn kho có thể tăng lên mức khoảng 8-10 ngày vào tháng 12 tới”, bà Gandhi nói với CNBC. “Tuy nhiên, rõ ràng là các nhà máy này không thể tăng lên mức tồn kho 18 ngày trước tháng 3/2022. Việc này cần được giám sát kỹ trong vòng 6 tháng tới”.

Nhu cầu điện tại Ấn Độ tăng đột biến trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, khi nền kinh tế bắt đầu khôi phục hoạt động sau làn sóng Covid-19 thứ hai với những hậu quả nặng nề. Theo bà Gandhi, kinh tế Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ hơn dự báo của giới phân tích.

“Các công ty nhiệt điện có lượng than tồn kho thấp và không lường trước được nhu cầu điện tăng vọt trong năm nay”, bà Gandhi lý giải.

Trong khi đó, các nguồn điện khác từ thủy điện, khí đốt và hạt nhân cũng suy giảm. Bà Gandhi cho biết Gandhi cho biết gió mùa không đều, lượng mưa ít, giá khí gas tăng, tình trạng đóng cửa bảo dưỡng tại các nhà máy hạt nhân cũng là các yếu tố dẫn tới tình trạng thiếu điện.

TIẾP TỤC THIẾU ĐIỆN TRONG 6 THÁNG TỚI

Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh mới đây cảnh báo tình trạng thiếu điện tại nước này có thể kéo dài tới 6 tháng. Trong tháng này, mùa lễ hội tại Ấn Độ sẽ bắt đầu, với nhu cầu tiêu dùng được dự báo sẽ đạt đỉnh, nhu cầu điện có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa. Tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn nếu nhu cầu hàng xuất khẩu Ấn Độ tăng lên. 

Ấn Độ là nước nhập khẩu than lớn thứ 3 thế giới dù sở hữu trữ lượng than lớn. Tuy nhiên, chênh lệch ngày càng lớn giữa giá than quốc tế (đang tăng cao) và giá than nội địa khiến lượng than nhập khẩu giảm mạnh những tháng gần đây. Trong khi nguồn cung giảm, nhu cầu lại tăng vọt.

Nhu cầu điện tại Ấn Độ tăng mạnh khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau làn sóng Covid-19 thứ hai - Ảnh: AP
Nhu cầu điện tại Ấn Độ tăng mạnh khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau làn sóng Covid-19 thứ hai - Ảnh: AP

Theo ông Sandeep Kalia, nhà phân tích chính tại Wood Mackenzie, tháng 7 và tháng 8/2021, kim ngạch nhập khẩu than của các nhà máy điện tại Ấn Độ giảm 45% so với cùng kỳ, trong khi các ngành ngoài lĩnh vực điện ngày càng phụ thuộc vào nguồn than nội địa. Các ngành công nghiệp như sản xuất nhôm, thép, xi măng và giấy thường đốt than để sản sinh nhiệt.

“Sản lượng điện sụt giảm của các nhà máy điện ven biển, vốn dựa vào nhập khẩu than, càng tạo thêm áp lực cho các nhà máy điện than”, ông Kalia cho biết.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu than của Ấn Độ cũng bị đình trệ do nguồn cung bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 và các vấn đề về hậu cần như chi phí vận tải tăng, tắc nghẽn tại các cảng biển… trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch, theo bà Gandhi của CRISIL.  

Trong khi đó, than nội địa của Ấn Độ có giá sinh trị nhiệt thấp hơn - có nghĩa là cần nhiều than hơn để để tạo nhiệt, thay thế cho than nhập khẩu.

Tại Ấn Độ, giá than chủ yếu được quyết định bởi Coal India – công ty quốc doanh chiếm hơn 80% tổng sản lượng than cả nước. Do đó, khi giá than quốc tế tăng, giá than nội địa về cơ bản không tăng bởi việc này ảnh hưởng tới giá điện và lạm phát (các công ty điện không thể chuyển phần chi phí tăng vào giá bán cho người tiêu dùng).

Theo bà Gandhi, vì hầu hết nông dân và hộ gia đình tại Ấn Độ được trợ cấp giá điện, gánh nặng khi giá than tăng lên chủ yếu đè lên vai của các khách hàng sử dụng điện là nhà máy công nghiệp – chiếm 25-30% tổng lượng điện tiêu thụ.

Tuy nhiên, Bộ Than đá Ấn Độ cuối tuần trước khẳng định nước này có đủ than để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện và những lo sợ về sự gián đoạn nguồn cung điện năng là “sai lầm” và “vô căn cứ”. Về phần mình, Coal India, cho biết sẽ thúc đẩy sản lượng để cố gắng bù đắp nguồn cung than thiếu hụt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate