Khách hàng mua mẫu xe điện Kia EV6 tại Mỹ đang phải chịu cảnh “bia kèm lạc”. Theo phản ánh của trang Jalopnik, một số đại lý ô tô ở Mỹ yêu cầu khách hàng phải trả bằng tiền mặt khi mua EV6. Thậm chí, để được lái thử mẫu xe điện này trước khi mua, các đại lý yêu cầu khách hàng phải cho kiểm tra tài khoản tín dụng.
Jalopnik cho biết khách hàng này không đồng ý với các yêu cầu trên của đại lý, và đã tự mình liên hệ với một số đại lý khác. Tuy nhiên, cách bán hàng của các đại lý ô tô ở Mỹ dường như đều khá giống nhau, đều có những điều khoản chèn ép khách hàng. Phản ánh cho biết một đại lý đã nói với khách hàng mua xe Kia EV6 rằng khách hàng phải đến đại lý vì “cần phải có một số thứ khác nữa” nếu họ muốn xem và lái thử EV6. Được biết, những điều này gây bức xúc mạnh mẽ cho người mua ô tô ở Mỹ.
Không chỉ có những yêu cầu như trên và “một số thứ khác”, mà thậm chí tệ hơn là mức giá bị đẩy lên. Theo thông tin, mức giá khởi điểm của Kia EV6 là 47.000 USD. Tuy nhiên, đại lý dường như không muốn bán ra phiên bản giá thấp nhất này, mà hầu hết đều dự trữ và chào hàng bản GT-Lines, có giá bắt đầu từ 51.200 USD hoặc 55.900 USD nếu muốn có AWD. Điều đáng nói nữa là khách hàng mua EV6 tại đại lý không bao giờ được hưởng mức giá đó, mà sẽ tăng dao động từ 10.000 USD đến 25.000 USD (hơn 570 triệu đồng). Một đại lý đã báo giá EV6 bản GT-Lines là hơn 70.000 USD.
Một số đại lý dường như không quan tâm đến việc bán EV6 cho khách hàng. Nói cách khác, đại lý rất “chảnh”. Chẳng hạn, khi liên hệ với đại lý để mua EV6, nếu khách hàng hỏi giá trước tiên, đại lý sẽ không bao giờ phản hồi lại.
Giá Kia EV6 không hề rẻ, và theo nhiều khách hàng Mỹ, việc được hưởng ưu đãi thuế khi mua xe điện là chính sách của liên bang, không phải là khoản chiết khấu của hãng xe và đại lý. Việc đại lý bán EV6 với mức giá chênh lệch so với giá niêm yết, yêu cầu kiểm tra tín dụng của khách hàng rồi mới được lái thử. Tất cả đều là những phong cách bán hàng tồi tệ. EV6 không phải là mẫu xe sản xuất hạn chế, mà được xem là chiếc xe sẽ giúp xe điện đến được với đại chúng. Mặc dù tình trạng thiếu chip khiến nguồn cung có phần khan hiếm, những điều đó cũng không thể biện hộ. Báo chí Mỹ bình luận rằng nếu mọi thứ không thay đổi, EV6 sẽ bị chính các đại lý “giết chết” ngay từ khi bán ra.
Kia cảnh báo đại lý không được bán chênh so với giá niêm yết
Về vấn đề này, Kia đã có những phản ứng đầu tiên. Và Kia là hãng xe tiếp theo ở Mỹ, sau Ford và General Motors, cho biết sẽ có hành động với đại lý bán “bia kèm lạc”. Kia cảnh báo các đại lý không được quảng cáo giá bán một kiểu, nhưng lại đưa ra giá bán thực tế một kiểu. Theo trang Carscoop, các đại lý ô tô đã khiến hơn 80% khách hàng ở Mỹ phải trả mức giá cao hơn giá niêm yết của hãng xe.
Trong khi chính phủ dường như chưa có hành động can thiệp nào, một số nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo các đại lý về các hành vi mờ ám và các khoản chênh lệch lớn. Mới đây nhất là Hyundai và Genesis. Hãng xe đã nói với các đại lý rằng khách hàng “không hài lòng với một số cách định giá nhất định, nếu không được kiểm soát, sẽ có tác động tiêu cực đến “danh tiếng thương hiệu của chúng tôi.” Theo thông tin do trang Automotive News cho biết, các đại lý ô tô ở Mỹ đã niêm yết một mức giá, cũng như quảng cáo trực tuyến một mức giá, nhưng sau đó lại tăng giá bán khi khách hàng trực tiếp đến đại lý.
Các nhà sản xuất ô tô cho biết những chiến thuật khiến giá bán xe thực tế cao hơn nhiều so với mức giá niêm yết. Các thương hiệu đã lưu ý rằng điều này có nguy cơ làm tổn hại đến “khả năng thu hút khách hàng mới và giữ chân những người trung thành”.
Mặc dù có khả năng gây thiệt hại lâu dài, song một số hãng xe thừa nhận đại lý là các doanh nghiệp độc lập có thể tự do thiết lập chính sách giá của riêng mình miễn là họ "phù hợp với luật pháp và nghĩa vụ hợp đồng". Nói như vậy, nhưng các thương hiệu cũng “đứng ngồi không yên khi theo dõi hành động của các đại lý nói trên”.
Do đó, những đại lý đẩy mọi thứ đi quá xa có thể bị phạt để ngăn cản hành vi xấu. Khoản phạt có thể là cắt giảm lợi ích quảng cáo, giảm phân bổ số lượng sản phẩm.
Trong khi vẫn còn phải xem liệu các đại lý có chú ý đến các cảnh báo hay không, các hãng xe cho biết "Chúng tôi tin rằng hành vi bán hàng như trên gây rủi ro mất khách hàng. Các khách hàng tiềm năng trong tương lai sẽ quay lưng với chúng tôi, điều này gây tổn hại lớn hơn nhiều so với bất kỳ khoản lợi nhuận ngắn hạn nào”.
Trước đó, Ford và General Motors đã “lên tiếng” về việc các đại lý bỏ qua giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất, hay còn gọi là MSRP. Đây là điều chưa từng có tại thị trường ô tô Mỹ. GM gọi đó là hành vi “phi đạo đức”. Hãng xe đe dọa từ chối phân phối đến đại lý hàng những sản phẩm phổ biến nhất của họ, bao gồm cả xe bán tải F-150 Lightning đang tạo ra tiếng vang của Ford và các mẫu xe điện sắp ra mắt khác.
Một số mẫu xe đang bị bán “kèm lạc” nữa là Hyundai Palisade 2022 có giá niêm yết 50.730 USD được bán với giá 66.728 USD; hay Hyundai Ioniq 5 SEL được bán với giá 65.015 USD, mặc dù bán quảng cáo chỉ là 49.400 USD với tùy chọn dẫn động bốn bánh.