Cổ phiếu nhóm chứng khoán đã có một phiên bùng nổ ngày hôm qua, có tới gần chục cổ phiếu tăng kịch trần hết biên độ trong khi hàng chục mã khác 2% tới 9%. Đà tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi thông tin liên quan đến quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại hội nghị Bloomberg Businessweek Vietnam diễn ra tại TP.HCM trong ngày 05/12, bà Wanming Du, Giám đốc chính sách chỉ số của FTSE Russell, đã đưa ra những con số đầy hứa hẹn. Theo bà, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn từ 5 tỷ đến 6 tỷ USD từ các quỹ chủ động và thụ động nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
FTSE Russell dự kiến sẽ tiến hành đánh giá Việt Nam trong vòng 6 đến 9 tháng tới. Bà Du cho biết trọng tâm sẽ là xem xét trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư quốc tế.
Một điều khá thú vị cho thấy sự lạc quan của các nhà đầu tư tại sự kiện khi được khảo sát về có hay không khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong 2025? Có tới 68% cho rằng thị trường sẽ được nâng hạng trong 2025.
Tuy nhiên, theo nhận định của Mirae Asset, nâng hạng FTSE khó diễn ra ở kỳ 03/2025, khả thi hơn ở kỳ 09/2025.
Hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí của FTSE để nâng hạng lên thị trường cận biên lên mới nổi. Hai vấn đề còn đang vướng mắc: Một là, Non-Prefunding: Công ty chứng khoán được phép nhận lệnh mua từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dù tài khoản không đủ 100% giá trị lệnh, dựa trên mức ký quỹ thỏa thuận trong hợp đồng. Hiện tại, đa số công ty chứng khoán đã hoàn thiện quy trình cho vấn đề này để áp dụng, đặc biệt các công ty chứng khoán thường có hoạt động của quỹ đầu tư ngoại.
Hai là, xử lý những giao dịch thất bại. Trung tâm lưu ký (VSD) đang làm việc để bổ sung chỉnh sửa Luật chứng khoán & Nghị định 155 để thành lập Trung tâm đối tác bù trừ (Central Counterparty – CCP).
Với CCP, VSD sẽ phòng ngừa rủi ro thanh toán cho thị trường chứng khoán cơ sở theo Thông tư 119/2020/TT-BTC, đảm bảo nhiều lớp đệm tài chính an toàn.
Đây là vướng mắt lớn để thông qua kịp ngay trong đợt review tháng 2/2025 của FTSE. Vì vậy, nếu nhanh có thể phải chờ qua quý 2/2025 để hoàn thiện vấn đề này. Vì vậy, việc nâng hạng thị trường năm 2025 là khả dĩ, với kịch bản khả thi nhất là tháng 9/2025 thay vì 3/2025 như kỳ vọng.
Điểm lưu ý là các chỉ số thị trường có xu hướng tăng mạnh 6 tháng trước khi nâng hạng, tạo cơ hội cho các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình. Vì vậy, nếu nâng hạng chính thức là kỳ tháng 9/2025 thì giai đoạn từ tháng 3/2025 đến 9/2025 sẽ thường là sóng tăng của VN-Index, tương tự như 5 thị trường khảo sát gần đây, theo Mirae Asset.
Trước đó, trong kỳ đánh giá tháng 10/2024, FTSE Russell tiếp tục giữ nguyên Việt Nam ở vị trí theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2. Việt Nam được thêm vào danh sách này từ tháng 9 năm 2018 tuy nhiên từ đó đến nay vẫn còn quá nhiều lý do để chưa nâng cấp được lên thị trường mới nổi thứ cấp.
FTSE Russell cho rằng lý do chưa được nâng cấp là Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)", hiện đang được xếp loại là "Hạn chế" do thực tế thị trường yêu cầu kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn vốn trước khi thực hiện giao dịch.
Ngoài ra, cần có sự cải thiện trong quy trình đăng ký tài khoản mới, vì thực tế thị trường hiện tại đang kéo dài quá trình đăng ký. Việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài cũng được coi là quan trọng.
Đáng chú ý, mô hình thanh toán "không cần ký quỹ trước" đang được xem xét đã được nhóm ngành làm việc cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC). Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC vào ngày 18 tháng 9 năm 2024, quy định sửa đổi một số quy định. Thông tư này loại bỏ yêu cầu trước thanh toán cho các nhà đầu tư quốc tế mua cổ phiếu, bằng cách cập nhật các quy định điều chỉnh giao dịch chứng khoán, thanh toán và giải quyết các giao dịch, hoạt động của các công ty chứng khoán, và công bố thông tin.
Thông báo liên quan tiếp theo dự kiến sẽ là việc công bố các quy tắc vận hành chi tiết hơn từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDCC). FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cuộc họp giữa các tổ chức Việt Nam địa phương và cộng đồng đầu tư quốc tế, để đảm bảo các quy tắc này đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia quốc tế và địa phương liên quan.
"Việc duy trì tốc độ thay đổi là điều cần thiết nếu Việt Nam muốn đạt được thời hạn mục tiêu vào năm 2025", FTSE nhấn mạnh.