June 08, 2022 | 17:56 GMT+7

Kịch bản lạc quan, VN-Index có thể về sát vùng 1.400 điểm ngay tháng 6

An Nhiên -

Chứng khoán Yuanta cho rằng, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn cho nên dòng tiền sẽ vẫn ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index vượt được mức 1.339 điểm thì chỉ số sẽ tăng về vùng 1.345 – 1.390 điểm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 5,4% trong tháng 5/2022 và vẫn giao dịch trong vùng hỗ trợ của xu hướng tăng dài hạn là 1.200 – 1.300 điểm.

Đánh giá về triển vọng thị trường tháng 6, Chứng khoán Yuanta cho rằng, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn cho nên dòng tiền sẽ vẫn ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhà đầu tư nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong tháng 6/2022.

Công ty chứng khoán này dự báo chỉ số VN-Index tăng trong tháng 06/2022 với hai kịch bản: Kịch bản thận trọng: Chỉ số VN-Index biến động hẹp quanh mức 1.315 điểm. Kịch bản lạc quan: Nếu chỉ số VN-Index vượt được mức 1.339 điểm thì chỉ số VNIndex tăng về vùng 1.345 – 1.390 điểm.

Về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và ưu tiên mua/nắm giữ các nhóm cổ phiếu có mức xếp hạng tăng trưởng cao với 5 nhóm cổ phiếu gồm Phần mềm và dịch vụ máy tính; Bán lẻ; Nước và khí đốt; Sản xuất và phân phối điện; Hóa chất.

Kịch bản lạc quan, VN-Index có thể về sát vùng 1.400 điểm ngay tháng 6 - Ảnh 1

Đánh giá thêm về vĩ mô, trong ngắn hạn, Yuanta cho rằng áp lực từ giá xăng dầu vẫn đang cao do căng thẳng Nga-Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt và nhu cầu dầu có thể tăng cao khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, điểm tích cực là Chính phủ vẫn đang thảo luận giảm các loại thuế phí lên giá xăng dầu, dư địa để giảm thuế phí trong giá xăng dầu của Việt Nam là vẫn còn và kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt phần nào mức tăng giá này.

Áp lực lạm phát vẫn cao trong thời gian tới nhưng khả năng cao vẫn trong mục tiêu dưới 4% do tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước phát triển nên sẽ chịu áp lực ít hơn các nước này.

Lĩnh vực sản xuất tiếp tục phục hồi mạnh, vấn đề thiếu lao động đã cải thiện đáng kể, số đơn hàng và sản lượng đã tăng mạnh trở lại. Chỉ số niềm tin kinh doanh đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Ngoài ra, Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại từ đầu tháng 6 khi số ca COVID giảm dần, kỳ vọng lượng đơn hàng xuất khẩu cũng như tình hình sản xuất sẽ tiếp tục cải thiện tốt hơn trong các tháng tới, tình trạng xuất siêu sẽ sớm quay trở lại. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate