July 10, 2009 | 09:40 GMT+7

Kích cầu: “Chúng ta đang cào bằng”

Bảo Anh

Loạt giải pháp kích cầu của Chính phủ dường như đang được triển khai một cách cào bằng đối với tất cả các doanh nghiệp

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Loạt giải pháp kích cầu của Chính phủ dường như đang được triển khai một cách cào bằng đối với tất cả các doanh nghiệp.

Nhìn nhận này được nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đưa ra khi trao đổi với báo giới xung quanh cách thức triển khai các giải pháp kích thích nền kinh tế cũng như quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thời kỳ trong và hậu khủng hoảng.

Ông Khoan nói:

- Về cơ bản, những giải pháp kích thích nền kinh tế của Chính phủ là phù hợp với điều kiện của nước ta cũng như phù hợp với mức độ ảnh hưởng khủng hoảng của nền kinh tế. Tuy nhiên, song song với những biện pháp ở tầm quốc gia, việc cơ cấu lại doanh nghiệp cũng dường như chưa được coi trọng đúng mức, mà cụ thể là trong việc hỗ trợ lãi suất, chúng ta đã triển khai có tính chất cào bằng đối với tất cả các doanh nghiệp.

Lẽ ra,  trong quá trình triển khai kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta cần phải lựa chọn đúng đối tượng, ai cần hỗ trợ, ai không cần, thì sẽ giúp cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đạt được hiệu quả hơn nhiều.  Ngay cả trong việc kiểm soát để làm sao ngăn chặn nguồn vốn kích cầu chảy lạc hướng cũng chưa được rõ nét lắm.

Nhưng chủ trương của chúng ta là tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trong kinh doanh, và trong kích cầu cũng phải vậy, thưa ông?

Không phải như thế, bình đẳng chỉ là trong thời kỳ bình thường, không có nhiều biến động. Còn trong giai đoạn khủng hoảng, trước khi hỗ trợ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét nghiêm túc doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả, có triển vọng thì mới cần phải cứu. Còn doanh nghiệp nào làm ăn kém hiệu quả, không có tương lai thì nên có những giải pháp xử lý phù hợp.

Gói kích thích kinh tế phải làm sao góp phần vào đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới cơ cấu doanh nghiệp. Chúng ta nên nhớ rằng, mỗi một cuộc khủng hoảng là một cái phin sàng lọc rất lớn, nó sẽ giữ lại những doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả và loại trừ những doanh nghiệp kém hiệu quả.

Tất nhiên, những doanh nghiệp bị loại trừ không có nghĩa là “chết” hẳn mà họ sẽ phải chuyển đổi, đổi mới, tổ chức lại để có hiệu quả hơn.

Nhưng cũng chính vì triển khai rộng rãi như vậy nên chúng ta đã có được một kết quả đáng khích lệ, đó là sức tiêu thụ hàng hóa nội địa vẫn tăng, trong khi xuất khẩu suy giảm mạnh?

Điều đó không phải do giải pháp mà do chính bản thân của các nền kinh tế có dung lượng dân số lớn. Đặc biệt, đối với những nền kinh tế với dung lượng lớn trên 80 triệu dân như chúng ta thì thị trường nội địa luôn có một vai trò rất lớn.

Có nghĩa là ông cho rằng, cách mà chúng ta giúp doanh nghiệp cũng như đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng là chưa được hợp lý?

Qua quan sát của tôi thì chúng ta đang tập trung đối phó nhiều với khủng hoảng chứ tôi cũng chưa thấy những những biện pháp ra khỏi khủng hoảng.

Tôi được biết, hiện nay, nhiều bộ ngành cũng đang thảo luận, tham khảo các ý kiến đóng góp để xem khi khủng hoảng qua đi thì chúng ta ra như thế nào. Hiện nay cũng đang mới là giai đoạn bàn bạc nên cũng chưa thể nói trước được điều gì.

Thực tế thì nền kinh tế chúng ta đã “vấp” phải 2 vấn đề cùng một lúc. Đó là lạm phát quá cao trong năm 2008. Thế nhưng, khi chúng ta vừa đẩy lùi được lạm phát thì lại “dính” ngay vào tác động của khủng hoảng toàn cầu, buộc những giải pháp đưa ra lại phải quay ngược 180 độ.

Chính vì vậy, ít nhiều ở đây có mâu thuẫn nhất định, đó là khi lạm phát mới bắt đầu ổn định thì chúng ta lại phải thực hiện những nới lỏng nhất định để kích thích sản xuất phát triển. Điều này đã buộc chúng ta phải tập trung cao độ để điều hành tránh gây ra bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế.

Nhưng đồng thời với đó, chúng ta vẫn có những giải pháp khá phong phú nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, và kết quả đạt được cũng là đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu để có hiệu quả hơn và đặc biệt là để chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng thì cần phải đúng đối tương hơn, đúng địa chỉ hơn và giải pháp phải cụ thể hơn.

Theo ông thì đến thời điểm nào chúng ta mới nên rút bớt gói kích thích kinh tế?

Tôi nghĩ rằng, khi nào kinh tế thế giới phục hồi, kinh tế trong nước không suy giảm nữa và bắt đầu có tăng trưởng cao thì phải điều hành nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường chứ không thể tiếp tục có những biện pháp như trong khủng hoảng được.

Tuy nhiên, bước đi cũng cần phải thận trọng, phải có lộ trình rõ ràng chứ không thể non nóng được.

Nền kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng sẽ như thế nào, thưa ông, liệu có thay đổi hay vẫn giữ nguyên hiện trạng?

Tôi cho rằng, không thể dự đoán được một mốc cụ thể, nhưng nếu nói về ngắn hạn thì ít nhất cũng phải 3 - 5 năm nữa mới duy trì được lại tốc độ tăng trưởng, với điều  kiện kinh tế thế giới không bị chao đảo. Lần khủng hoảng trước chúng ta phải mất 8 năm mới hồi phục trở lại bình thường.

Còn về đại thể thì nền kinh tế vẫn giữ nguyên trạng chứ không có nhiều thay đổi. Vừa qua chúng ta vẫn chưa kịp thay đổi gì được nhiều. Đây là một căn bệnh trầm kha kéo dài chứ không thể thay đổi trong một hai năm.

Hiện nay chúng ta đang có “mốt” truyền miệng là tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng tôi cho rằng, đây là một quá trình lâu dài chứ không phải là đơn giản, nói là làm được ngay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate