Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đi kèm với nhiều biến chủng mới xuất hiện đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị chậm lại, điều này đã tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp – thành phần quan trọng của nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan quản lý, điều hành và định hướng cho sự phát triển chung, nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước sẽ là một trong những “liều thuốc” mạnh mẽ để phục hồi và kích thích nền kinh tế tăng trưởng.
Điều này tiếp tục được phản ánh trong gói dự toán Ngân sách Nhà nước 2022, dự thảo kế hoạch phát triển 2021-2025 và dự thảo “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” (Gói phục hồi) đang được đề xuất trong kỳ họp bất thường của Quốc hội. Nội dung các chương trình cơ bản gồm Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 và 2023 lần lượt là 526.106 tỷ đồng và 540.600 tỷ đồng; Gói phục hồi quy mô ở mức 347.000 tỷ đồng trong cơ cấu dự kiến có phân bổ một cấu phần lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, trị giá khoảng 113 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước, theo Chứng khoán BSC, xuyên suốt giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đạt tốc độ giải ngân ở mức trung bình khoảng 90,4%. BSC dự tính 2 kịch bản cho tình trạng giải ngân vốn gói đầu tư công, kịch bản 1 ước tính tốc độ giải ngân đạt tỷ lệ thấp - tương đương năm 2021 khoảng 80%; Kịch bản 2 ước tính tốc độ giải ngân đạt tỷ lệ cao của giai đoạn trước khoảng 95%. Như vậy, giải ngân vốn gói kích thích kinh tế cho giai đoạn năm 2022-2023 ước tính đạt từ 278 nghìn tỷ đồng đến 330 nghìn tỷ đồng.
Theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm từ 0,9% - 1,1% trong năm 2022. Gói kích thích kinh tế sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp GDP Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% trong năm giai đoạn 2022-2023.
Dựa theo kết cấu dự thảo gói hồi phục kinh tế xã hội, bên cạnh cấu phần hỗ trợ doanh nghiệp về miễn giảm thuế phí, gói đầu tư vào hạ tầng trị giá 113,8 nghìn tỷ đồng bao gồm 103,2 nghìn tỷ đồng đầu tư vào tuyến đường cao tốc Bắc - Nam sẽ kích thích lại nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế khi khoản tiền này được giải ngân hiệu quả và nhanh chóng.
Bên cạnh yếu tố tác động về kinh tế vĩ mô, các dự án này cũng sẽ tạo ảnh hưởng tích cực trực tiếp lên hoạt động kinh doanh của các nhóm ngành hưởng lợi từ tuyến đường giao thông này.
Thông thường, quá trình xây dựng tuyến đường cao tốc sẽ chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, chuẩn bị nguyên vật liệu cho các dự án. Các doanh nghiệp xây dựng chuẩn bị các nguyên vật liệu xây dựng và đặt hàng nhóm các doanh nghiệp nguyên vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp nguyên vật liệu xây dựng, bao gồm xi măng, thép, đá, nhựa chuẩn bị, gia tăng sản xuất và giao hàng theo tiến độ đề ra giữa hai bên. Hiện tượng này sẽ dẫn đến sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh của nhóm này gồm các cổ phiếu như HPG, HSG, NKG, SMC, HT1, BCC, KSB, C32, BMP, NTP, PLC.
Giai đoạn 2, tiến hành thi công các dự án. Giai đoạn này sẽ chứng kiến sự gia tăng về doanh số thi công của các doanh nghiệp xây dựng nổi tiếng về mảng cơ sở hạ tầng. Đồng thời dựa theo nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 , các tuyến đường cao tốc Bắc -Nam đều yêu cầu phải có trạm thu phí không dừng tại các chốt điểm quan trọng. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng khả quan đến nhóm cổ phiếu thi công xây dựng các trạm thu phí BOT tự động. Các doanh nghiệp hưởng lợi như HUT, LCG, FCN, CTI. Ngoài ra, ETC và giao thông thông minh như ELC, ITD cũng được hưởng lợi lớn.
Giai đoạn 3, hoàn thành và đi vào hoạt động. Việc tuyến đường cao tốc đi vào hoạt động sẽ làm gia tăng giá thành của các khu đất nối liền xung quanh tuyến đường này do mức độ tiếp cận dễ dàng và tốc độ đi lại của các phương tiên giao thông nhanh hơn. Các yếu tố cải thiện này khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản có các dự án lớn nằm trong vùng này được hưởng lợi rõ ràng như bất động sản dân cư gồm NLG, VHM, NVL, bất động sản khu công nghiệp gồm KBC, GVR, VGC, IDC.