Dự thảo luật bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng. Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử. Dự thảo luận cũng quy định “không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác”.
QUẢN LÝ CHẶT VIỆC QUẢNG CÁO, RAO BÁN CÁC LOẠI THUỐC TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Tham gia ý kiến về kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, máy bán thuốc tự động và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh các dịch vụ trên, đại biểu Nguyễn Văn Dương, đoàn Tiền Giang, cho rằng đối với phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử được quy định tại Điều 42 cho thấy, các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành Công Thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến).
Cụ thể như: Cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn thuốc được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử đối với các thuốc thuộc phạm vi kinh doanh; cơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh;
Được đăng thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý, bao gồm: Bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nhãn thuốc đã được phê duyệt.
"Tôi thấy rằng việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc (ADR), bên cạnh đó còn vấn đề khác như thu hồi thuốc…", đại biểu Dương nhấn mạnh.
Dự thảo quy định các sơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh.
Theo ông Dương, nếu đó là một nhà thuốc trong chuỗi dùng chung một website thì người dân xác định nơi bán như thế nào? Về nguyên tắc, các công ty bán buôn (đạt GDP) không được phép bán lẻ đến người dân. Đại biểu cho rằng vấn đề này cần được làm rõ khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ bán thuốc cho người dân, vì có liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc.
Hàng giả bán trên internet đang là một vấn đề được phản ánh nhiều hiện nay. Lực lượng chức năng xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn. Do đó, đại biểu đề nghị dự án Luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này, đại biểu đoàn Tiền Giang nói.
Cùng lo ngại thời gian qua có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok, trong đó, có một số loại thuốc gây tác dụng phụ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn Tp.Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.
Trước thực tế thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống, nữ đại biểu cho tằng phải đặt vấn đề về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; đồng thời đề nghị ban soạn thảo đưa ra quy định để quản lý thuốc chặt chẽ.
Tán thành phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử nhưng đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn Ninh Bình nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn sức khỏe, phải có đơn của bác sĩ đối với thuốc kê đơn, người mua được tư vấn và theo dõi các phản ứng có hại của thuốc…
Đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật hiện chưa có quy định cụ thể về điều kiện đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh dược, chưa rõ về cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc…
Theo đại biểu thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Do đó, việc cho phép bán thuốc qua nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động cụ thể, đầy đủ.
Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần xem xét để quy định cụ thể, chặt chẽ về phương thức kinh doanh mới này, cân nhắc kỹ dựa trên cơ sở đánh giá lợi ích và rủi ro, hậu quả đối với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến.
KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN DÙNG THUỐC KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC, TRÀN LAN TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội, đại biểu đoàn Bình Định nhất trí với việc thay đổi Luật Dược, khi thực tế thời gian qua có rất nhiều vấn đề phát sinh về mua bán, sử dụng thuốc trong các bệnh viện cũng như trong người dân.
Góp ý kiến, ông Hiếu cho rằng thứ nhất việc gia hạn sổ lưu hành thuốc hiện nay là vấn đề rất khó khăn cho các thuốc đã lưu hành. “Chúng ta đã dùng rất nhiều năm nhưng cứ đến hạn là phải gia hạn”, ông Hiếu nói và đề nghị dự thảo Luật quy định gia hạn tự động nếu như thời gian sử dụng trước đó không có vấn đề gì. Giống như sau này chúng ta sẽ gia hạn giấy phép hành nghề cho nhân viên y tế.
Thứ hai, là trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc bán thuốc online gây nguy hại đến sức khoẻ, những sản phẩm quảng cáo là thuốc nhưng không phải là thuốc.
Đại biểu đề nghị trong Luật quy định trách nhiệm của Bộ Y tế, cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng điều tra, công khai cho người dân biết trên các trang web, app của Bộ Y tế, không để người dân dùng những thuốc không rõ nguồn gốc, tràn lan trên mạng xã hội.
Thứ ba, ông Hiếu đồng tình với việc thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cần biết vị trí của mình, tránh duy ý chí. Tránh việc làm nhiều cách ngăn chặn sản phẩm của các hãng dược lớn vào Việt Nam nhưng thuốc tương đương của chúng ta lại không thể so sánh nổi với các thuốc tốt của nước ngoài. Những thuốc đó, người dân vẫn phải dùng và giá thuốc sẽ bị đẩy lên.
Thứ tư là mua thuốc theo đơn của thầy thuốc online, có đơn và nhà thuốc ship đến tận nhà. Vừa qua Ủy ban Xã hội không ủng hộ ý kiến này và chỉ đồng ý cho mua tại nhà thực phẩm chức năng.
Theo ông Hiếu, thực tế rất nhiều nhà thuốc đang làm, chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc là chuyển đến tận nhà. “Do đó, nếu cấm cơ học thì không có giải pháp. Vì vậy, đại biểu đề nghị cho triển khai nhưng phải quy định rõ ràng, bắt đầu từ chính các nhà thuốc của chính các bệnh viện.
Thứ năm, là vấn đề thuốc hiếm không được dùng, đăng ký lưu hành tại Việt Nam, chúng ta hay dùng là “thuốc xách tay”. Thuốc rất tốt nhưng có tỷ lệ dùng rất ít trong nước, trong lúc chờ nhập lưu hành mất công thì người dân phải nhờ người xách tay mang về dùng.
Do đó cần đưa vào luật định nghĩa thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số trường hợp bệnh lý cụ thể để các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ nước ngoài hoặc Bộ Y tế có phương án mua tập trung cho cả nước khi các bệnh viện có nhu cầu thì nhập từ Bộ Y tế (nếu cần).
Liên quan đến vấn đề kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần quy định cụ thể hơn các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm.
Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ cho phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử các thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cần bổ sung quy định biện pháp để bảo đảm chất lượng thuốc và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục rà soát để thống nhất với pháp luật về giao dịch điện tử…