Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam thực sự bùng nổ. Theo Euromonitor, vào năm 2022, ngành thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã đạt quy mô khoảng 2,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến khoảng 7% trong giai đoạn 2023–2028.
Khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng cho thấy thị trường này đang tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, với hơn 60% người tiêu dùng trong nước đã từng sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Không thể phủ nhận trên thị trường thực phẩm chức năng có nhiều sản phẩm tốt, nhưng bên cạnh đó là rất nhiều những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm giả đang xuất hiện ngày càng nhiều gây bức xúc, bất an cho người dân.
Sự phát triển theo kiểu trăm hoa đua nở của thị trường tỷ đô này phản ánh một nhu cầu lớn của người dân đó là mong muốn được chủ động chăm sóc sức khỏe trước tình trạng mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, hệ thống y tế quá tải. Và phần còn lại được khuếch đại lên bởi truyền thông phi chính thống, nơi mạng xã hội trở thành cả nhà báo, bác sĩ lẫn chuyên gia sức khỏe – không cần kiểm chứng, chỉ cần lan truyền.
Vụ xưởng sản xuất thực phẩm chức năng giả quy mô lớn với hơn 100 tấn hàng hóa do “CEO” Phạm Ngọc Tiến chủ mưu vừa bị bắt là minh chứng cho thấy có những tảng băng chìm khổng lồ đang tồn tại của thị trường này.
Kết quả khám xét khẩn cấp tại các địa điểm sản xuất do Tiến thành lập, cơ quan chức năng thu giữ 30 khuôn dập gân vỏ hộp, 28.531 hộp thực phẩm chức năng, 34.822 lọ thực phẩm chức năng, 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng, 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau).
100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng thực sự là con số gây choáng váng với rất nhiều người. Các sản phẩm này rất không chỉ tuồn ra chợ đen mà thậm chí có thể sẽ len lỏi được vào các nhà thuốc, bệnh viện.
Trước đó, ngày 7 và ngày 18-4 vừa qua, cơ quan chức năng đã khám xét tại trụ sở và nhà máy Công ty TNHH Herbitech, thu giữ hồ sơ, tài liệu và các mẫu sản phẩm để giám định, điều tra xử lý.
Kết quả bước đầu đến nay, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã ban hành kết luận giám định xác định hai sản phẩm bảo vệ sức khỏe MEDI KID CALCIUM K2 và Ăn ngon BABY SHARK là hàng giả.
Nên nhớ, đây là những sản phẩm dành cho trẻ em, vốn dĩ phải được kiểm soát nghiêm ngặt nhưng nhờ đi qua “ngạch” thực phẩm chức năng nên các sản phẩm này đã rất dễ dàng xuất hiện và được đưa tới tay trẻ nhỏ.
Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả, đang chờ kết quả giám định đối với các mẫu sản phẩm trên. Điều đáng nói, các sản phẩm do của Herbitech đã được bán tại một số nhà thuốc.
Nhưng điều đáng lo hơn là chúng ta đang nói về một ngành mà không cần làm giả vẫn có thể nguy hiểm cho sức khỏe người dân, vì bản thân quy trình ra đời sản phẩm đang khá dễ dãi.
Không giống thuốc – vốn phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng, kiểm định gắt gao – thực phẩm chức năng ở Việt Nam có thể được "sinh ra" trong vài tuần lễ.
Một công thức được lấy từ internet, một hồ sơ tự khai "phù hợp quy định", một bản kiểm nghiệm từ phòng lab tư nhân, và thế là đủ để sản phẩm bước ra thị trường với vẻ ngoài chuyên nghiệp và một câu thần chú muôn thuở: "không phải thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh."
Dù không thay thế được thuốc chính câu khước từ trách nhiệm đó lại trở thành bùa hộ mệnh pháp lý, cho phép nhà sản xuất thoải mái gieo vào đầu người tiêu dùng những kỳ vọng mơ hồ như: tăng đề kháng, thải độc, chống lão hóa, giảm mỡ nội tạng, ổn định huyết áp…
Cơ chế "tự công bố sản phẩm" hiện tại thực chất là một hình thức tự khai báo khiến quá trình phê duyệt gần như không có cơ chế phản biện. Cơ quan chức năng không thẩm định hiệu quả sản phẩm, không kiểm nghiệm, không yêu cầu chứng minh tác dụng. Và nếu sản phẩm có vấn đề, hình phạt thường khá nhẹ và vài tháng sau sẽ quay trở lại thị trường bằng một cái tên mới, một thương hiệu khác, nhưng vẫn là cùng một công thức, cùng một cách làm cũ.
Người tiêu dùng trong bối cảnh thiếu thông tin và bị bủa vây bởi quảng cáo, ngày càng lệ thuộc vào hình ảnh thay vì bằng chứng. Một gương mặt hot trên Tiktok mặc áo blouse trắng, cầm hộp sản phẩm, đọc vài dòng kịch bản, là đủ để tạo ra doanh thu hàng chục tỷ.
Trong khi bác sĩ phải học mười năm để được phát ngôn về sức khỏe, thì KOL chỉ cần quay một video ngắn và nhận về niềm tin tuyệt đối từ hàng trăm ngàn người. Thị trường thực phẩm chức năng gần như không cần kiến thức, không cần chứng cứ, chỉ cần truyền thông và lượt xem. Cái người dân tiêu thụ đôi khi không phải là tác dụng thực sự, mà là cảm giác yên tâm, niềm tin mơ hồ, kỳ vọng hão huyền được tạo ra bằng nhiều kỹ xảo truyền thông.
Nếu để đưa ra ví dụ về sự phù phép cho sản phẩm thực phẩm chức năng thì kẹo rau củ Kera chính là minh chứng rõ nét nhất. Sản phẩm được các “chiến thần livestream”, idol tiktok và cả hoa hậu đa cho xuất xưởng trong thời gian rất ngắn, chỉ sau vài phiên live stream đã tiêu thụ hàng vạn sản phẩm.
Và điều khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn là: không chỉ doanh nghiệp, không chỉ KOL, mà ngay cả nhiều nhà thuốc, phòng khám những nơi đáng lẽ phải là "hàng rào kỹ thuật" bảo vệ sức khỏe người dân cũng tham gia vào vòng quay của thực phẩm chức năng kém chất lượng/giả.
Lợi nhuận từ việc phân phối thực phẩm chức năng quá hấp dẫn so với thuốc kê đơn. Một số bác sĩ về hưu trở thành người đại diện thương hiệu. Một số hiệu thuốc biến thành kênh bán hàng livestream. Người tiêu dùng đôi khi ngơ ngác vì không phân biệt nổi đâu là chỉ định chuyên môn và tư vấn thương mại.
Nhìn sâu hơn, sự dễ dàng trong việc cho phép một sản phẩm sức khỏe ra đời như hiện nay một phần do chúng ta thiếu nguồn lực để kiểm soát toàn thị trường, đây có thể chính là kẽ hở rất lớn để các đối tượng phạm tội lợi dụng.
Đã đến lúc phải đặt lại câu hỏi cơ bản: tại sao một ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân lại chịu rất ít sự kiểm soát và gần như không cần kiểm nghiệm, bằng chứng khoa học nào về hiệu quả, công dụng?
Và tại sao người dân lại phải tự phòng vệ giữa một rừng sản phẩm được sinh ra dễ dàng, nhanh chóng, nhan nhản hàng giả, kém chất lượng như nấm sau mưa?
Thực phẩm chức năng không sai. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, nó góp phần hỗ trợ sức khỏe, cải thiện chất lượng sống và phòng ngừa bệnh tật – nhất là khi được sử dụng đúng cách, đúng nhu cầu và đúng bằng chứng khoa học.
Nhưng nếu tiếp tục tạo ra một hành lang quá rộng, quá dễ dãi – để sản phẩm dễ dàng ra đời, lan truyền không kiểm soát, được quảng bá bởi người nổi tiếng thay vì dữ liệu y học, và vận hành dựa trên cơ chế “tự chịu trách nhiệm” thì chắc chắn sức khỏe hàng ngàn người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, tác động.
Đây đang là một thị trường lớn – và chính vì lớn, nó càng cần một sự kiểm soát chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, khoa học hơn.