Kiểm soát cho vay dự án BOT giao thông, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo cơ chế thị trường, xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo... Quốc hội nêu yêu cầu với lĩnh vực ngân hàng, sau chất vấn.
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư vừa được Quốc hội thông qua, trong phiên bế mạc, chiều 24/11.
Ở kỳ họp này, lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, những giải pháp, cam kết từ Thống đốc đã được Quốc hội ghi nhận.
Tại nghị quyết, Quốc hội nêu yêu cầu cụ thể với cả bốn lĩnh vực đã được chọn để chất vấn.
Riêng lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội nêu rõ 7 yêu cầu.
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hai, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương chung; chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ba, hoàn thiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, trong đó, chú trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; có giải pháp hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định đời sống, đẩy mạnh kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá, tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động cho vay hỗ trợ ngư dân, nhà ở xã hội, hỗ trợ học sinh, sinh viên.
Vẫn trong nội dung thứ ba, Quốc hội còn yêu cầu kiểm soát hoạt động cho vay các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) theo hướng vừa bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, vừa tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế.
Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng; triển khai có hiệu quả các đề án, giải pháp để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chú trọng quản trị rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong năm 2018, rà soát, sửa đổi các quy định về hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm an toàn, hiệu quả, đáp ứng tình hình mới. Triển khai tích cực đề án thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh ứng dụng và bảo đảm an ninh, an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Năm, tiếp tục triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, xử lý căn bản và thực chất nợ xấu. Có các giải pháp phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có tiềm lực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Sáu, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm cảnh báo sớm và phát hiện kịp thời các yếu kém trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, giảm thiểu rủi ro; sử dụng hiệu quả thông tin đánh giá tín nhiệm các tổ chức tín dụng; tiếp tục rà soát để xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, bảo đảm trật tự, kỷ cương và an toàn trong hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống.
Cuối cùng, ở nội dung thứ bảy, yêu cầu của Quốc hội là quản lý hoạt động cho vay của các công ty tài chính, hoạt động cho vay tiêu dùng bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật. Có các biện pháp cụ thể đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng lực và bộ máy quản trị của các tổ chức tín dụng.