Thông tin về tình hình kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong những tháng đầu năm 2024, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết đã có sự chuyển biến.
Trong tháng 5/2024, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bình quân chung toàn quốc giảm khoảng 6% so với tháng 4.
Trong khi đó, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn tăng 7%, bảo đảm quyền lợi người tham gia. Điều này cho thấy hiệu quả bước đầu trong kiểm soát chi phí, hạn chế các chi phí bất hợp lý, lãng phí.
Theo ông Phúc, hiện nay, các văn bản quy định trong công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là khá đầy đủ. Đặc biệt, Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, là căn cứ để cơ quan Bảo hiểm xã hội làm việc, cảnh báo tới các cơ sở y tế về các chi phí tăng cao bất hợp lý.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo.
Bảo hiểm xã hội các địa phương tích cực vào cuộc với trên 30 văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế; trên 400 văn bản cảnh báo gửi đến các cơ sở y tế; làm việc với 557 cơ sở y tế. Bảo hiểm xã hội 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức làm việc theo nhóm với các cơ sở khám chữa bệnh.
Đề cập đến nội dung này tại hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày 5/6, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đánh giá trong tháng 5/2024, toàn quốc có sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bất hợp lý.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, hiện nay, đến các bệnh viện có thể ghi nhận rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiếm, ghép tạng được điều trị.
Các trường hợp này cần quá trình điều trị dài và chi phí điều trị rất lớn để phục hồi, duy trì cuộc sống. Đây là gánh nặng mà ngay cả những người có điều kiện kinh tế cũng không thể lo hết được, nếu không có bảo hiểm y tế.
“Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả, tối ưu Quỹ Bảo hiểm y tế, tránh lãng phí, đảm bảo quyền lợi người tham gia là điều rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực quỹ có hạn”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.
Ông cũng khẳng định kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tối ưu sử dụng quỹ, phòng tránh, hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, lãng phí. Từ đó có nguồn lực dành cho những việc nhiệm vụ thiết thực, phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh nặng và mãn tính.
Để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh hiệu quả, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị chuyên môn của ngành tiếp tục bám sát các quy định trong Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ, để xây dựng các cơ chế kiểm soát, đưa ra các tiêu chí soi chiếu khi thực hiện.
Cùng với đó, tăng cường hệ thống thống kê, tổng hợp, đánh giá trên toàn quốc và từng địa phương.
Từ các hệ thống thống kê, cảnh báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chuẩn hóa số liệu địa bàn mình phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp thông tin, xây dựng báo cáo, đặc biệt là để làm việc với các cơ sở y tế, chỉ rõ các chi phí bất hợp lý, so sánh với toàn quốc, khu vực và trong tỉnh.
Ông cũng lưu ý việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cần đảm bảo yếu tố phòng ngừa, cảnh báo từ sớm, từ xa. Đồng thời, cương quyết với các chi phí bất hợp lý theo quy định; kết hợp giữa thanh tra, kiểm toán và giám định bảo hiểm y tế.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu toàn ngành tiếp tục tập trung cao độ cho nhiệm vụ này, mục tiêu là tối ưu sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, phòng chống lãng phí, đảm bảo quyền lợi người bệnh.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có khoảng 90,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.