Theo hãng tin Bloomberg, loại bất động sản đang được nói đến là các bungalow cao cấp, những biệt thự có thể có từ thời thực dân, xây dựng trên lô đất rộng ít nhất 1.400 mét vuông, nằm bên dưới những tán cây xanh mướt ở các quận đắt đỏ nhất của đảo quốc sư tử.
NHỮNG NGƯỜI NGOÀI 30 TUỔI MUA NHÀ HÀNG CHỤC TRIỆU USD
Giờ đây, những ngôi nhà này đang thu hút một đối tượng khách mua mới: một thế hệ người siêu giàu có độ tuổi còn trẻ, là những người kiếm tiền từ những lĩnh vực không phải là truyền thống. Việc các triệu phú trẻ đó đổ xô mua bungalow cao cấp khiến giao dịch ở phân khúc này trở nên sôi động và mức giá của một căn biệt thực được đẩy lên cao hơn, mặc cho Chính phủ Singapore đang ra sức triển khai các biện pháp nhằm hạ sốt bất động sản.
Năm ngoái, số bungalow cao cấp được bán ở Singapore đã tăng gấp 3 lần so với năm 2019, đạt 60 căn. Giá bình quân mỗi mét vuông của những bất động sản này cũng đạt mức cao chưa từng thấy – theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường địa ốc Knight Frank. Có tất cả khoảng 2.500 căn bungalow cao cấp ở Singapore.
Những người giàu thuộc thế hệ trước “thường không chấp nhận mức giá hiện tại”, nhưng những người mới giàu lên lại có nguồn tiền dễ dàng hơn để mua - chuyên gia Henry Lim thuộc công ty bất động sản PropNex Realty phát biểu. “Đối với những người mới giàu, quan niệm là nếu mua được thì cứ mua”.
Trước kia, người mua bungalow cao cấp ở Singapore thường là doanh nhân trong những ngành công nghiệp truyền thống, các nhà giao dịch cổ phiếu và hàng hoá, luật sư cấp cao, bác sỹ nổi tiếng… Mấy năm gần đây, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, các chủ startup, nhà điều hành doanh nghiệp thương mại điện tử, và những người giàu lên nhờ tiền ảo bắt đầu nổi lên thành lực lượng khách hàng chủ lực trong phân khúc nhà cao cấp ở nước này.
Giao dịch bungalow cao cấp mới nhất là của Su Zhu, nhà đồng sáng lập kiêm CEO quỹ đầu cơ tiền ảo Three Arrows Capital. Ông Zhu, người mới ngoài 30 tuổi, và vợ đã giành quyền mua một bungalow ở khu Bukit Timah với giá khoảng 49 triệu Đôla Singapore, tương đương 36 triệu USD – truyền thông địa phương đưa tin hồi tháng 12.
Một căn bungalow gần vườn bách thảo Singapore Botanic Gardens đã được mua bởi Tommy Ong, người đã sáng lập nền tảng marketing thương mại điện tử Stamped.io và bán lại nền tảng này có WeCommerce của Canada với giá 110 triệu USD hồi năm ngoái. Giá của bungalow mà ông Ong, người cũng mới hơn 30 tuổi, mua được là 63,7 triệu Đôla Singapore. Mức giá tính trên mỗi mét vuông của giao dịch này đạt kỷ lục khoảng 46.140 USD/mét vuông.
Ian Ang, 29 tuổi, nhà đồng sáng lập của Secretlab, một startup chuyển sản xuất ghế công thái cho người chơi game, chi 36 triệu Đôla Singapore để mua một bungalow trong năm ngoái.
Thuật ngữ “bungalow cao cấp” (good classs bungalow) được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1980 trong một kế hoạch của Chính phủ Singapore nhằm ngăn chặn sự lấn đất của các ngôi nhà tư nhân và khuyến khích người giàu đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của nền kinh tế - theo học giả người Anh Robert Powell, tác giả cuốn “Singapore Good Class Bungalow 1819-2015”.
Tại Singapore, một quốc gia khan hiếm đất với khoảng 80% dân số sống trong những toà chung cư cao tầng do Chính phủ xây dựng, các bungalow cao cấp thường nằm ở các quận đắt đỏ với an ninh và quyền riêng tư được đảm bảo nghiêm ngặt. Một số căn nhà như vậy đã hơn 100 tuổi. Lô đất để xây những căn nhà như vậy rộng ít nhất 1.400 mét vuông, và diện tích xây dựng của căn nhà chiếm không quá 35% tổng diện tích đất”.
CÁCH KHẲNG ĐỊNH BẢN THÂN CỦA CÁC TRIỆU PHÚ TRẺ
Có một lý do khác khiến các bungalow này trở nên đặc biệt. Đó là quy định gần như chỉ có công dân Singapore mới có thể mua. Người nước ngoài có thể đáp ứng yêu cầu này bằng cách nhập tích Singapore hoặc kết hôn với một người Singapore. Tỷ phú ngành máy hút bụi Anh quốc James Dyson và nhà đồng sáng lập hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba James Sheng là những người mua được bungalow cao cấp ở Singapore bằng cách này.
Lực lượng khách trẻ đang đẩy giá bungalow cao cấp ở Singapore tăng chóng mặt. Giá bình quân mỗi mét vuông của các bất động sản này đã tăng khoảng 1/4 từ 2009 đến nay, đạt 18.548 Đôla Singapore/mét vuông – theo dữ liệu từ Knight Frank.
Tại đường Nassim, một trong những khu giàu nhất ở Singapore, cách không xa đại lộ Orchard, một bungalow cao cấp hiện nay có thể có giá lên tới 85 triệu Đôla Singapore. Hồi năm 2019, một bungalow cao cấp ở Nassim có giá chỉ 38,8 triệu Đôla Singapore.
Nhà môi giới cấp cao Mary Sai của Knight Frank Singapore cho biết những người mua trẻ thường ở độ tuổi ngoài 30 hoặc 40. Sau khi mua, họ thường phá căn nhà cũ để xây mới theo sở thích. Đối tượng này cũng xem các bungalow cao cấp là khoản đầu tư tốt, ít biến động hơn so với cổ phiếu.
Theo chuyên gia Bruce Lye của Singapore Realtors, giá những căn bungalow cao cấp ở Singapore có thể tiếp tục tăng cao hơn vì nguồn cung hạn chế mà số người giàu ở nước này ngày càng nhiều. Theo một báo cáo năm 2021 của Knight Frank, số người có tài sản ít nhất 30 triệu USD ở Singapore sẽ tăng 31% trong thời gian từ 2020-2025, lên 4.888 người.
Cơn sốt bungalow cao cấp chỉ là một phần trong cơn sốt bất động sản nói chung ở Singapore: giá nhà ở nước này trong năm 2021 tăng mạnh nhất hơn 1 thập kỷ. Thị trường địa ốc ở nước này giữ vững xu hướng tăng trong đại dịch nhờ lãi suất thấp và kỳ vọng giá lên.
Để kiềm chế sự leo thang của giá nhà, Chính phủ Singapore hồi tháng 12 đã triển khai một loạt biện pháp, bao gồm tăng thuế tem đối với người mua căn nhà thứ hai và người nước ngoài mua nhà ở tư nhân.
Tuy nhiên, các biện pháp này có vẻ không thể làm nản lòng giới triệu phú trẻ, những người kiếm tiền với tốc độ nhanh hơn. Đối với họ, mua một căn bungalow cao cấp là cách để chứng tỏ bản thân hơn là để bảo toàn giá trị tài sản – theo ông Alan Cheong, giám đốc nghiên cứu của Savills Plc tại Singapore.
“Thực ra, họ muốn mọi người biết là họ đã giàu. Họ có cách nghĩ khác với thế hệ trước. Họ không muốn đếm từng đồng khi chi tiêu”, ông Cheong phát biểu.