October 11, 2021 | 15:13 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước “gọi tên” ai trong năm 2022?

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước tiến hành 168 cuộc kiểm toán, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, 9 tập đoàn kinh tế và 7 ngân hàng thương mại...

Các ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế Nhà nước sẽ thuộc danh sách kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.
Các ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế Nhà nước sẽ thuộc danh sách kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022. Theo đó, cơ quan này dự kiến thực hiện 168 cuộc kiểm toán trong năm tới, giảm số lượng so với kế hoạch năm nay.

Riêng trong lĩnh vực doanh nghiệp và tài chính ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến có 17 cuộc kiểm toán tại: Ngân hàng Nhà nước, 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 7 ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác.

 
Kiểm toán Nhà nước lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam...

Trọng tâm kiểm toán với các tổ chức và doanh nghiệp này là đánh giá công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước, kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả...

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng thương mại, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Những vấn đề về năng lực tài chính, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí, vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động... cũng sẽ được kiểm toán.

Ngoài ra, theo kế hoạch, lĩnh vực Ngân sách Nhà nước sẽ kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương của 25 bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 61% - 25/41 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương). Kiểm toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phươg của 59 địa phương (đạt tỷ lệ 94% - 59/63 địa phương).

 
Mục tiêu kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách nhà nước là đánh giá thực hiện chính sách tài khoản, điều hành Ngân sách Nhà nước năm 2021 trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, bao gồm: việc giảm thu Ngân sách Nhà nước, chi hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, lệ phí, sử dụng quỹ dự trữ quốc gia thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống phòng chống dịch Covid-19…

Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó có 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng, như: Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 tại Quảng Bình, Cà Mau, Lào Cai, Đồng Nai, Bắc Ninh….

Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ; các dự án thủy lợi và các dự án trọng điểm ngành điện…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate