July 20, 2021 | 11:23 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước lưu ý nợ công vay nhiều nhưng hiệu quả sử dụng vốn chưa cao

Ánh Tuyết -

Kiểm toán Nhà nước cảnh báo nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh, lượng vốn huy động cao nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, sẽ đem lại nhiều hệ luỵ…

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh vừa ký văn bản số: 183/BC-KTNN gửi Quốc hội, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020, sau khi tổng hợp kết quả chính từ 235 báo cáo kiểm toán của 205 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019.

TIỀM ẨN RỦI RO VỚI AN NINH TÀI CHÍNH QUỐC GIA

Theo đó, dư nợ công đến 31/12/2019 là 3,3 triệu tỷ đồng, bằng 55% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ 2,9 triệu tỷ đồng, bằng 48% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 402.066 tỷ đồng, bằng 6,7% GDP; nợ Chính quyền địa phương 20.684 tỷ đồng, bằng 0,3% GDP.

 

"Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp trên tổng thu ngân sách tăng nhanh, một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Mặt khác, tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia”, Kiểm toán nhà nước lo ngại.

Hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Theo đó, nợ công bằng 55% GDP trong khi quy định không quá 65%. Nợ Chính phủ bằng 48% GDP, thấp hơn quy định không quá 54%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách Nhà nước là 18,1%, nhỏ hơn mức quy định 25%. Nợ nước ngoài quốc gia bằng 47,1% GDP, thấp hơn mức quy định 50%.

Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng nhanh từ 15,8% năm 2016 lên 18,1% năm 2019. 

Theo số liệu năm 2019, chi trả nợ lãi là 104.998 tỷ đồng, bằng 1,59 lần chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương.

Ngoài ra, áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước để trả nợ đến hạn, chủ yếu là nợ trái phiếu Chính phủ là không nhỏ trong trường hợp không kiềm chế hiệu quả yêu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách Trung ương, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn....

VAY NHIỀU NHƯNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG CHƯA CAO

Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ, hiệu quả sử dụng vốn vay còn hạn chế. Cụ thể, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2019 đã giải ngân, thanh toán 42.328 tỷ đồng, bằng 64,1% kế hoạch vốn được sử dụng.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nguyên nhân chậm giải ngân do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án khởi công mới mất nhiều thời gian để triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, mời thầu, đấu thầu.

Tổng số rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2019 là 52.515 tỷ đồng, chỉ bằng 48% kế hoạch. Một số hiệp định được ký kết từ các năm trước nhưng chưa thực hiện rút vốn theo kế hoạch giải ngân và Chính phủ vẫn phải trả các khoản phí cam kết, phí quản lý. Lũy kế đến 31/12/2019 là 26,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc theo dõi nợ còn chênh lệch giữa Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước, giao dự toán trả nợ vay chưa phù hợp với số nợ đến hạn phải trả. Chẳng hạn, tại Thành phố Hải Phòng, Sở Tài chính theo dõi nợ chính quyền địa phương đối với phần vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ từ năm 2016 trở về trước lớn hơn số Kho bạc Nhà nước theo dõi lên đến 146 tỷ đồng.

Tại Phú Thọ, giao dự toán chi trả nợ đầu năm 176 tỷ đồng nhưng dư nợ phải trả 354,7 tỷ đồng. Dẫn đến phải ứng trước nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung năm 2020 để trả nợ Ngân hàng Phát triển 47,5 tỷ đồng. Dự kiến trả nợ gốc vay đến hạn từ bội thu ngân sách địa phương tại Trà Vinh cũng thấp hơn số nợ đến hạn phải trả 1,1 tỷ đồng. Tỉnh không dự toán vay để trả nợ gốc cũng chưa giảm trừ dự toán chi đầu tư để đảm bảo mức chi trả nợ gốc đến hạn.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ giải ngân vốn vay thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Tại thành phố Cần Thơ, số vay nợ từ nguồn vay lại của Chính phủ đến 31/12/2019 là 471 tỷ đồng, địa phương chỉ giải ngân 282,6 tỷ đồng. Số nhận nợ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ tại tỉnh Sóc Trăng là 22 tỷ đồng, số thực hiện giải ngân là15,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ có nợ quá hạn tồn đọng từ nhiều năm trước. Trong đó, nhiều dự án không có khả năng trả nợ, một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền chưa có phương án xử lý cụ thể và làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cho vay lại và doanh nghiệp xử lý vốn vay.

Tính đến 31/12/2019, còn 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn, với dư nợ là 5.122 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 3.551 tỷ đồng. Đến 15/12/2020 có 08 dự án đã xử lý xong nợ quá hạn 232 tỷ đồng; 04 dự án có nợ quá hạn 590 tỷ đồng đã trình cấp có thẩm quyền để xử lý; 22 dự án có nợ quá hạn 383 tỷ đồng đang xử lý, có khả năng trả nợ; 20 dự án có nợ quá hạn 2.346 tỷ đồng đang xử lý, khó có khả năng trả nợ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate